Lượt xem: 716
Hội nghị trực tuyến lấy ý kiến Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) và tháo gỡ vướng mắc trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường
Sáng ngày 29-4, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tổ chức Hội nghị trực tuyến lấy ý kiến dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) và tháo gỡ một số vướng mắc trong lĩnh vực TN-MT. Tại điểm cầu Bộ TN-MT có sự tham dự của Uỷ viên Trung ương Đảng, Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng; Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà; các đồng chí thứ trưởng, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ TN-MT. Tại điểm cầu tỉnh Sóc Trăng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hiểu, lãnh đạo Sở TN-MT và các đơn vị trực thuộc sở cùng tham dự.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Sóc Trăng

Điểm qua những thành tựu nổi bật của toàn ngành TN-MT, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, hiệu quả sử dụng nguồn lực tài nguyên được nâng cao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng thu ngân sách nhà nước. Trong đó, nguồn thu từ đất hàng năm chiếm trung bình 12% thu ngân sách nội địa, riêng trong năm 2019 đạt 172 nghìn tỉ đồng; thu từ cấp quyền khai thác khoáng sản đạt khoảng 5 nghìn tỉ/năm, từ tài nguyên nước hơn 1,16 nghìn tỉ đồng/năm. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn ra phức tạp, Bộ TN-MT đã chủ động đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ người lao động, bảo đảm an sinh, trật tự an toàn xã hội như các chính sách về: miễn tiền sử dụng đất, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, gia hạn tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, giảm thuế môi trường, cắt giảm các cuộc thanh tra, kiểm tra, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công cấp độ 4. Tình trạng lãng phí đất đai, quy hoạch treo, dự án treo ở các đô thị được giải quyết hiệu quả (chỉ tính riêng trong năm 2019, xử lý hơn 1.300 dự án với 18,8 nghìn ha đất); hoàn thành giai đoạn 1 sắp xếp đất đai của các nông, lâm trường. Tài nguyên biển, lợi thế của các vùng ven biển đã được phát huy trở thành khu vực phát triển năng động với mức đóng góp trên 60% GĐP cả nước.

Đối với Luật Bảo vệ môi trường hiện hành đã được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 7, sau gần 5 năm triển khai thực hiện, luật đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong công tác bảo vệ môi trường. Nhận thức về trách nhiệm và hành động trong bảo vệ môi trường đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, thu hút được sự quan tâm của toàn xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực thi cho thấy luật đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, chưa điều chỉnh kịp thời với những thách thức mới đặt ra đối với công tác bảo vệ môi trường.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phan Xuân Dũng cho biết, là cơ quan được Quốc hội giao thẩm tra Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội ghi nhận những nỗ lực của Bộ TN-MT trong quá trình thực hiện soạn thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đánh giá là đồ sộ và bày tỏ tán thành việc sửa đổi cơ bản toàn diện dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi)  để thể chế hóa đầy đủ quan điểm của Đảng nhất là về bảo vệ môi trường là vị trí trung tâm của các quyết định phát triển, không đánh đổi môi trường lấy tăng tưởng kinh tế. Đồng chí Phan Xuân Dũng cho rằng, có nhiều vấn đề về bảo vệ môi trường mới phát sinh trong thực tiễn hiện nay mà luật hiện hành chưa có đủ cơ sở để xử lý, cũng như vấn đề hội nhập quốc tế hiện nay Việt Nam đang tham gia.

 Tại hội nghị, Bộ TN-MT và các địa phương đã tập trung thảo luận góp ý về giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Lấy ý kiến các đại biểu về các vấn đề quan trọng, lâu dài đặt ra đối với ngành, để đóng góp vào Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, thể chế trong pháp luật để chuẩn bị cho đất nước bước vào giai đoạn mới, đặc biệt là vấn đề đất đai, nội dung của Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi.

Đối với dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), UBND tỉnh Sóc Trăng có dự thảo báo cáo góp ý về nhóm chính sách về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường; nhóm chính sách về giấy phép môi trường, đăng ký môi trường; nhóm chính sách về quản lý chất thải và công nghệ xử lý chất thải; nhóm chính sách về quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn môi trường; nhóm chính sách về quản lý chất lượng môi trường…Về những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường, UBND tỉnh cũng có những đề xuất, kiến nghị về lĩnh vực tài nguyên nước, khoáng sản và khí tượng thủy văn; lĩnh vực đất đai; lĩnh vực tổng hợp biển…

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà nhấn mạnh, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đã đặt môi trường trở thành vấn đề trung tâm trong phát triển của đất nước. Trong dự thảo lần này có nhiều chính sách mang tính cách mạng với tư duy đổi mới, đặc biệt là có vai trò và tính pháp lý giúp các tỉnh, thành tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai, thực hiện công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Quan trọng hơn, những vấn đề có tính lâu dài, chiến lược được quy định trong Dự thảo Luật khi được góp ý, tổng hợp sẽ tạo thuận lợi rất lớn để Bộ TN-MT làm cơ sở đóng góp vào Nghị quyết Đại hội của ngành trong những năm tới.

Văn Phòng Sở TN - MT
1 2 3 4 5  ... 
Thông báo - hướng dẫn

Thống kê truy cập
  • Đang online: 31
  • Hôm nay: 155
  • Trong tuần: 2 892
  • Tất cả: 2277713