Lượt xem: 1091
10 sự kiện nổi bật của ngành Tài nguyên và Môi trường nói riêng, của Sở Tài nguyên và Môi trường Sóc Trăng năm 2019
Năm 2019 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với nước ta nói chung và ngành Tài nguyên và Môi trường nói riêng trong công cuộc phát triển đất nước. Vừa qua, vào ngày 09/01/2019 Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Quyết định 79/QĐ-BTNMT của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố 10 sự kiện nổi bật của ngành Tài nguyên và Môi trường năm 2019. Các sự kiện nổi bật tạo nên sự thành công của ngành Tài nguyên và Môi trường như sau:

1.     Nỗ lực thực hiện cam kết giải quyết vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa

Hàng loạt hoạt động trong nước và quốc tế được thực hiện như ký kết Ý định thư giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường và Diễn đàn kinh tế thế giới về hợp tác xử lý rác thải nhựa; thành lập Liên minh chống rác thải nhựa… Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ tham dự, chỉ đạo Lễ ra quân chống rác thải nhựa tại Thủ đô Hà Nội tháng 6 năm 2019 và tiếp tục khẳng định quan điểm nhất quán phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường; môi trường là 3 trụ cột phát triển bền vững; kêu gọi toàn thể cộng đồng nâng cao trách nhiệm xã hội, chung tay chống rác thải nhựa, tích cực tham gia phân loại, thu hồi, tái chế, tái sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa sử dụng một lần; quyết tâm phấn đấu đến năm 2025 cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 tại Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 04 tháng 12 năm 2019 gồm 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm thống nhất thực hiện các biện pháp giảm rác thải nhựa đại dương từ đất liền ra biển. Hiện các Bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp đang tích cực xây dựng kế hoạch thực hiện các hoạt động phòng chống rác thải nhựa; từng bước thay đổi nhận thức, hành vi ứng xử với các sản phẩm nhựa tại Việt Nam trong xu thế phát triển chung toàn cầu.

2.     Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong triển khai các giải pháp phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long

Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 05 tháng 9 năm 2019 về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP nhằm nâng cao sự nỗ lực của các cấp, các ngành trước những tác động kép của biến đổi khí hậu và nhân sinh; tăng cường thể chế điều phối, liên kết vùng, các nguồn lực và huy động sự tham gia của doanh nghiệp, khối tư nhân cùng với các cơ chế tài chính phù hợp để thực hiện các chương trình, dự án về hạ tầng phục vụ chuyển đổi quy mô lớn; đẩy nhanh quy hoạch tổng thể phát triển vùng, hoạt động nghiện cứu khoa học, điều tra cơ bản, xây dựng cơ sở dữ liệu liên ngành, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu dân cư phục vụ phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động tổng thể thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP với 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm và cụ thể; chủ trì Hội nghị đánh giá kết quả hai năm thực hiện Nghị quyết vào tháng 6 năm 2019 tại thành phố Hồ Chí Minh với nhiều chỉ đạo, giải pháp có tính chiến lược.

3.     Ngành khí tượng thủy văn Việt Nam khẳng định lịch sử hình thành và phát triển; chủ động hợp tác, hội nhập quốc tế sâu rộng

Đại diện thường trực của Việt Nam được Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) tín nhiệm bầu giữ vị trí Phó Chủ tịch Hiệp hội khí tượng Châu Á khu vực 2 (RA II); tham gia chương trình của Khóa họp Đại hội đồng Khí tượng Thế giới lần thứ 18; quản lý, vận hành, chia sẻ hiệu quả thông tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn cho khu vực Đông Nam Á thông qua Trung tâm Hỗ trợ dự báo khu vực và nhiều hoạt động quốc tế khác. Ghi nhận lịch sử hình thành, phát triển cũng như khẳng định vị trí, vai trò, đóng góp to lớn của ngành khí tượng thủy văn Việt Nam trong công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước và hội nhập quốc tế, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1821/QĐ-TTg lấy Ngày 03 tháng 10 hằng năm là Ngày truyền thống ngành khí tượng thủy văn Việt Nam.

Đặc biệt, Tổ chức Khí tượng thế giới đã ghi nhận năm 2019, sóng nhiệt xuất hiện nhiều hơn; El Nino và biến đổi khí hậu làm gia tăng các đợt nắng trên toàn cầu với thời gian kéo dài và mức độ gay gắt ở nhiều khu vực thuộc Châu Mỹ, Châu Âu, Châu Úc… Ở nước ta xảy ra 2 đợt nắng nóng kéo dài 25 đến 27 ngày liên tục với nhiệt độ trên 400C ở Bắc Bộ và Trung Bộ, trong đó nhiệt độ cao nhất quan trắc được từ trước đến nay ở huyện Hương Kê, tỉnh Hà Tĩnh với trị số lên đến 43,40C.

4.     Nhiều sự cố, vấn đề liên quan đến môi trường phát sinh ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân

Điển hình như vụ cháy xảy ra tại Công ty Cổ phần Bóng dèn Phích nước Rạng Đông thuộc quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội gây ô nhiễm môi trường không khí, môi trường nước; xả thải gây ô nhiễm nguồn nước của Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) gây khủng hoảng nước sạch nhiều quận, huyện thành phố Hà Nội trong nhiều ngày; các đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng xảy ra tại các thành phố lớn như Hà Nội trong nhiều ngày; các đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng xảy ra tại các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh đã tác động tiêu cực đến sức khỏe, môi trường sống của người dân… Qua đây, vấn đề bảo vệ môi trường, an ninh môi trường cho đời sống dân sinh cần các giải pháp tổng thể và liên ngành trong điều kiện phát triển kinh tế - xã hội nhanh, mạnh hiện nay.

5.     Việt Nam hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch Ủy ban Liên hợp Ủy hội sông Mê Công quốc tế

Cùng các quốc gia thành viên Ủy hội đẩy mạnh thực hiện hiệu quả các cam kết trong Tuyên bố Siêm Riệp 2018; thực hiện Chiến lược phát triển lưu vực dựa trên quản lý tổng hợp tài nguyên nước giai đoạn 2016-2020 và Kế hoạch Chiến lược của Ủy hội giai đoạn 2016-2020; cập nhật Chiến lược phát triển lưu vực cho giai đoạn 10 năm tới và các Chiến lược về phát triển thủy điện bền vững, quản lý hạn; thực hiện bộ Quy chế sử dụng nước, trong đó chú trọng Thủ tục Thông báo, Tham vấn trước và Thỏa thuận đối với các dự án thủy điện dòng chính sông Mê Công. Thông qua Tuyên bố chung về tham vấn Dự án thủy điện Pắc Beng, Pắc Lay và dự án thủy điện Luông Phra-bang theo lộ trình. Tổ chức thành công hai Hội nghị toàn thể Ủy ban sông Mê Công Việt Nam; hiện đang tích cực triển khai thực hiện thông báo sau Hội nghị về tăng cường chia sẻ thông tin phát triển trên lưu vực về tình hình khai thác sử dụng tài nguyên nước, diễn biến dòng chảy sông Mê Công; nhận định, dự báo về tình hình hạn hán và thiếu nước mùa khô 2019-2020; hỗ trợ các cơ quan, địa phương trong vấn đề sạt lở, sụt lún, xâm nhập mặn thông qua các báo cáo, nghiên cứu, xây dựng giải pháp ứng phó.

6.     Khánh thành hệ thống trạm định vị vệ tinh quốc gia (VNGEONET); hoàn thành công tác đo đạc và bản đồ về biên giới quốc gia phục vụ ký các văn kiện pháp lý ghi nhận thành quả phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam – Campuchia năm 2019

Đây là lần đầu tiên Việt Nam đầu tư, vận hành mạng lưới các trạm định vị vệ tinh thu liên tục tín hiệu từ hệ thống định vị toàn cầu bằng vệ tinh (GNSS) gồm 65 trạm phủ trùm cả nước; làm khung tham chiếu quốc gia xác định dịch chuyển mạng; cung cấp dịch vụ định vị qua hệ thống sóng 3G,4G theo thời gian thực độ đảm bảo chính xác cao. Đặc biệt, ưu điểm độ chính xác cao, thời gian định vị nhanh, công nghệ trạm định vị vệ tinh quốc gia sẽ dần thay thế công nghệ đo đạc truyền thống trong tương lai gần, thúc đẩy nghiên cứu khoa học về Trái đất; cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác thông tin, dữ liệu đo đạc và bản đồ phục vụ các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng. Đây là một trong những công trình khoa học công nghệ tiêu biểu Kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống ngành đo đạc và bản đồ Việt Nam (14/12/1959-14/12/2019).

Trong năm 2019 đã hoàn thành công tác kỹ thuật đo đạc, bản đồ về phân giới, cắm mốc tuyến biên giới trên đất liền Việt Nam – Campuchia phục vụ ký văn kiện “Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005” và “Nghị định thư phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia” tháng 10 năm 2019. Đến nay, hai bên đã hoàn thành phân giới, cắm mốc đối với 1.045 km đường biên giới đất liền Việt Nam – Campuchia, xây dựng được 315 cột mốc chính, 1.511 cột mốc phụ và 221 cọc dấu để tiến tới mục tiêu hoàn thành 100% khối lượng trên toàn tuyến; góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng đường biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, an ninh của đất nước.

7.     Hoàn thành bộ bản đồ tài nguyên nước dưới đất tỷ lệ 1/200.000 thống nhất theo hệ quy chiếu quốc gia VN-2000 trên quy mô toàn quốc

Sau bộ bản đồ địa chất thủy văn toàn quốc tỷ lệ 1/500.000 được thành lập năm 1987, đây là lần đầu tiên, bộ bản đồ chuyên ngành lĩnh vực tài nguyên nước dưới đất được thiết lập, cập nhật, bổ sung các nguồn thông tin dữ liệu hiện có trên toàn quốc. Các khái niệm, phương pháp tính toán xác định tài nguyên nước dự báo, trữ lượng có thể khai thác, lượng tích chứa, trữ lượng tích chứa, trữ lượng động, lượng bổ cập được cập nhật theo các quan điểm, thành tựu khoa học mới nhất của thế giới. Bộ bản đồ đã được bàn giao để làm cơ sở thông tin dữ liệu tài nguyên nước dưới đất, phục vụ công tác quản lý, quy hoạch và các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng, các địa phương.

8.     Năm có nhiều nhất Vườn di sản ASEAN được Ban Thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) công nhận

Đó là Vườn quốc gia Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh; Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà, tỉnh Lâm Đồng; Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát, tỉnh Tây Ninh và Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh, tỉnh Kon Tum. Qua đó, đưa nước ta trở thành quốc gia có nhiều nhất vườn Di sản của khu vực ASEAN với tổng số 10 Vườn đến thời điểm hiện nay. Việc công nhận danh hiệu Vườn di sản góp phần quan trọng đối với công tác bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên, giá trị đa dạng sinh học, du lịch, văn hóa, lịch sử của Việt Nam cũng như cộng đồng ASEAN.

9.     Hoàn thành các chỉ tiêu thực hiện Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, cải cách hành chính, đổi mới phương thức làm việc theo hướng điện tử hóa, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp

Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thành về đích trước 01 năm các chỉ tiêu xây dựng Chính phủ điện tử tại Nghị quyết 17/NQ-CP của Chính phủ; là bộ ngành đầu tiên phê duyệt Kiến trúc Chính phủ điện tử phiên bản 2.0. Đã ứng dụng thành công nhiều hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu để thay đổi phương thức làm việc truyền thống bằng môi trường mạng điện tử; gắn kết chặt chẽ giữa ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp. Ngành tài nguyên và môi trường từng bước chuyển đổi, tiến tới ngành tài nguyên và môi trường số, tiếp cận với cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Năm 2019, chỉ số hài lòng người dân, doanh nghiệp đối với hoạt động của ngành tiếp tục được nâng cao.

10.   Hoạt động bảo vệ môi trường, hướng đến phát triển bền vững được các địa phương tích cực thực hiện

Điển hình thành phố Đà Nẵng tổng kết 10 năm thực hiện Đề án thành phố môi trường. 10 năm qua, nhân dân thành phố Đà Nẵng quyết tâm, đồng thuận, chung sức thực hiện nhiều nhiệm vụ, chương trình hành động nhằm nâng cao chất lượng bảo vệ môi trường dựa trên xu thế phát triển đô thị trong bối cảnh hội nhập, phát triển toàn cầu và tác động của biến đổi khí hậu; bảo tồn gắn với quản lý, khai thác các giá trị tài nguyên thiên nhiên để trở thành tiêu điểm và hấp dẫn toàn cầu về điểm đến du lịch sinh thái, thân thiện môi trường. Đà Nẵng đang tập trung thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24 tháng 01 năm 2019 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 1945. Phong trào bảo vệ môi trường xây dựng nông thôn mới được các địa phương cả nước hưởng ứng sâu rộng, trong đó tỉnh Nam Định được Thủ tướng Chính phủ công nhận về đích sớm hơn một năm xây dựng nông thôn mới; hoàn thành các nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới tại Quyết định số 1422/QĐ-TTG. Nhiều công trình bảo vệ môi trường nông thôn được tập trung đầu tư, chất lượng môi trường được nâng cao. Hiện tỉnh Nam Định tập trung nguồn lực thực hiện xây dựng mô hình huyện nông thônn mới kiểu mẫu với các tiêu chí về môi trường như Sáng – Xanh – Sạch – Đẹp để phát triển bền vững giai đoạn 2020 – 2025.

Tại Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng năm 2019 là năm tăng tốc, bức phá, Sở đã tập trung mọi nguồn lực đẩy mạnh thực hiện công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường nhằm hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra. Trong đó, cải cách hành chính mà trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính và xây dựng thể chế tiếp tục được thực hiện tốt; các thủ tục hành chính ngày càng được rút ngắn thời gian thực hiện; chất lượng giải quyết thủ tục hành chính công mà đặc biệt là thủ tục hành chính trực tuyến mức độ 3 ngày càng được nâng cao; việc nâng cao trình độ chuyên môn và tác phong khi làm việc của công chức một cửa cũng được lãnh đạo Sở quan tâm, chú trọng. Sở đã cử công chức có trình độ, chuyên môn giỏi, đạo đức tốt, đáp ứng tiêu chuẩn quy định để làm việc tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Trung tâm đã đánh giá, thời gian qua công chức một cửa của Sở Tài nguyên và Môi trường đã hướng dẫn đầy đủ, rõ ràng các thủ tục hành chính, thường xuyên theo dõi, phối hợp tốt với các đơn vị chuyên môn của sở để xử lý và chuyển trả kết quả thủ tục hành chính kịp thời cho người dân, doanh nghiệp đúng thời gian quy định, tạo sự hài lòng cao nhất cho người dân đến giao dịch. Qua đó, có 98% tổ chức, doanh nghiệp đánh giá hài lòng với dich vụ tại quầy của Sở Tài nguyên và Môi trường. Chỉ số tiếp cận đất đai tiếp tục tăng, qua đó góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Công tác truyền thông tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật về tài nguyên và môi trường từng lúc từng nơi được thực hiện tốt bằng nhiều hình thức phong phú có sức lan tỏa và tác động sâu rộng đến nhiều tầng lớp trong xã hội, từ đó mà thông điệp bảo vệ môi trường đã được hưởng ứng một cách mạnh mẽ, đặc biệt là phong trào chống sử dụng rác thải nhựa sử dụng một lần. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý của ngành, cơ sở dữ liệu về đất đai, môi trường, tài nguyên nước, khoáng sản,… từng bước được xây dựng và hoàn thiện hướng tới xây dựng chính quyền điện tử theo chỉ đạo tại Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ.

Người dân đánh giá chất lượng phục vụ của cán bộ Một cửa Sở Tài nguyên và Môi trường

Quản lý nhà nước trên các lĩnh vực trong năm 2019 cũng được thực hiện tốt. Nổi bật là nâng cao cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đạt 96,65% diện tích cần phải cấp; hoàn thành công tác lập kế hoạch sử dụng đất, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất và bảng giá các loại đất năm 2020-2024. Bên cạnh đó, công tác điều tra, đánh giá chất lượng đất, tiềm năng đất đai; điều tra đánh giá thoái hóa đất cấp tỉnh cũng được hoàn thành, qua đó từng bước tiến tới xây dựng, hoàn thiện hệ thống thông tin đất đai hiện đại, tập trung và thống nhất. Công tác bảo vệ môi trường có nhiều chuyển biến tích cực, các chỉ tiêu về môi trường đều được thực hiện đạt và vượt so với kế hoạch, việc phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm được đẩy mạnh thực hiện, qua đó đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp từ xây dựng công trình đến phi công trình phù hợp, có hiệu quả nhằm xử lý các ô nhiễm môi trường và chủ động kiểm soát nguồn thải gây ô nhiễm môi trường. Công tác giám sát, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường được thực hiện kịp thời, thể hiện tính nghiêm minh và có sức răn đe các đối tượng vi phạm.

Những thành tựu nêu trên là nền tảng để đặt ra các mục tiêu dài hạn của ngành tài nguyên và môi trường trong các năm tiếp theo. Năm 2020 - năm cuối của việc thực hiện Kế hoạch 5 năm 2016-2020, đặt ra nhiều chỉ tiêu phải đạt được đáp ứng sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế và phát triển bền vững của đất nước. Để thực hiện thành công, Ngành tài nguyên và môi trường đặt quyết tâm cao để đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra; tiếp tục đổi mới tư duy hành động; chủ động, sáng tạo trong công tác điều hành; dự báo, phản ứng chính sách kịp thời để vượt qua khó khăn, thách thức tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý sử dụng tài nguyên, chủ động trong công tác BVMT và ứng phó với BĐKH đóng góp trực tiếp cho tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Tin tưởng rằng ngành tài nguyên và môi trường sẽ đạt được nhiều thành tích mới trong sự nghiệp phát triển của ngành và sự phát triển bền vững của đất nước.

Minh Hiếu tổng hợp
1 2 3 4 5 
Thông báo - hướng dẫn

Thống kê truy cập
  • Đang online: 22
  • Hôm nay: 1189
  • Trong tuần: 5 221
  • Tất cả: 2280042