Lượt xem: 1612
Báo cáo tổng hợp đánh giá tác động của biến đổi khí hậu, xây dựng Khung kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng tỉnh Sóc Trăng
Trong thời gian qua, các nhà khoa học, các tổ chức trên thế giới đã liên tục báo động về những biến động bất thường của khí hậu và thời tiết. Hiện tượng trái đất đang nóng lên kéo theo tốc độ tan băng ngày càng nhanh ở Nam cực và Bắc cực là một thực tế buộc cả nhân loại phải ứng phó. Sự dâng lên của mực nước biển sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng trăm triệu người, đặc biệt là ở các Quốc gia và các vùng lãnh thổ ven biển. Biến đổi khí hậu còn làm cho các thiên tai như lũ lụt, hạn hán, bão, áp thấp nhiệt đới … ngày càng khắc nghiệt hơn. Sự biến động của khí hậu và hiện tượng tan băng hiện nay đang đặt cả thế giới đứng trước những thảm họa mang tính toàn cầu.

Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về phát triển bền vững tại Johannesburg (Cộng hòa Nam Phi) năm 2002 đã nhận định rằng những hậu quả của BĐKH toàn cầu trực tiếp tác động đến sự sinh tồn của loài người, cụ thể đến Tài nguyên nước, Năng lượng, Sức khỏe con người, Nông nghiệp và an ninh lương thực và Đa dạng sinh học,...

Là một Quốc gia có chiều dài đường bờ biển khoảng 3.260 km, với hơn 75% dân số sống tập trung ở các vùng ven biển, Việt Nam được các tổ chức như IPCC, Word Bank (Ngân hàng Thế giới) và các tổ chức nghiên cứu khác đánh giá là 1 trong 3 nước trên thế giới chịu hậu quả nặng nề nhất do Biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng gây ra. Đứng trước tình hình trên, Chính phủ Việt Nam đã nhận định “Phòng chống, ứng phó và thích nghi với Biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng là một trong những nhiệm vụ cũng như mục tiêu quan trọng và cấp bách hiện nay”.

Với kịch bản được dự báo như vậy Việt Nam sẽ chịu nhiều tổn thất to lớn. Với 3.260 km bờ biển, hơn một triệu km2 lãnh hải, trên 3.000 hòn đảo gần bờ, 2 quần đảo xa bờ, nhiều vùng đất thấp ven biển sẽ phải chịu ngập lụt nặng nề trong mùa mưa và hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô. Mực nước biển dâng và nhiệt độ nước biển tăng ảnh hưởng đến các hệ sinh thái biển và ven biển, gây nguy cơ đối với các rạn san hô và rừng ngập mặn, ảnh hưởng xấu đến nền tảng sinh học cho các hoạt động khai thác và nuôi trồng thủy sản ven biển. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới nếu mực nước biển dâng 1m khoảng 10% dân số nước ta sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp và tổn thất đối với nền kinh tế lên đến 10% GDP. Trong các vùng của nước ta, do có địa hình thấp nên ĐBSCL là khu vực chịu tác động nặng nề nhất.

BĐKH sẽ tác động trực tiếp đến: Biến động trong sản xuất nếu không có giống mới chịu được mặn, kinh tế lúa và kinh tế vườn sẽ giảm sút; kinh tế biển sẽ tăng trưởng nhanh nhưng chưa chắc sẽ bù đắp lại hai sự sụt giảm trên; đầu tư trong lĩnh vực công thương nghiệp càng khó thu hút hơn; Xây dựng kết cấu hạ tầng đã tốn kém càng tốn kém; Biến động về phân bố dân cư, đô thị và các trung tâm, cơ sở kinh tế sẽ diễn ra sự dịch chuyển trong nội vùng và ra ngoài vùng ĐBSCL.

Những biến động về môi trường tự nhiên và về kinh tế - xã hội sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của đồng bằng sông Cửu Long nếu không kịp thời có sự ứng phó thích hợp: cuộc sống của hàng chục triệu người dân sẽ gặp nhiều xáo trộn lớn; Vai trò vựa lúa của cả nước, nguồn đóng góp quan trọng cho tổng kim ngạch xuất khẩu và ngân sách nhà nước mà đồng bằng sông Cửu Long đang đảm nhiệm sẽ chịu thách thức nghiêm trọng; Nhiều khía cạnh về an ninh quốc phòng sẽ được đặt ra, trước tiên là an ninh lương thực cho cả nước.

Theo kịch bản nước biển dâng 1 m thì Sóc Trăng sẽ là 1 trong 10 tỉnh đứng đầu về thiệt hại với diện tích bị ngập khoảng 1.570 km2, chiếm đến 45,5% diện tích cả tỉnh.

Những nghiên cứu gần đây cho thấy tác động nổi bật của BÐKH đối với tỉnh Sóc Trăng là xâm nhập mặn, bồi tụ và xói lở bờ biển do nước biển dâng, bão và áp thấp nhiệt đới, lốc xoáy …gây ra những tác hại đáng kể.

Trước tình hình trên, để có cơ sở khoa học cho việc dự báo các tác động, đánh giá thiệt hại do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu từ đó xây dựng các giải pháp thích ứng phù hợp cho tỉnh Sóc Trăng trong thời gian tới thì việc thực hiện nhiệm vụ “Đánh giá tác động của Biến đổi khí hậu và Xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với Biến đổi khí hậu và nước biển dâng tỉnh Sóc Trăng” là rất cần thiết nhằm trang bị cho các cấp quản lý, chính quyền địa phương cũng như người dân tỉnh Sóc Trăng cơ sở khoa học vững chắc, công cụ quản lý và các giải pháp cụ thể để có thể hoàn thành nhiệm vụ trên, đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững.

(Trích báo cáo)

Thông báo - hướng dẫn

Thống kê truy cập
  • Đang online: 26
  • Hôm nay: 1242
  • Trong tuần: 7 002
  • Tất cả: 2281823