Lượt xem: 5181
Bác Hồ một tình yêu bao la!
Chủ Tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vô vàn kính yêu của dân tộc ta, Người đã hy sinh cuộc đời cho độc lập tự do của dân tộc. Trong những ngày tháng Năm lịch sử, toàn Đảng, toàn dân ta nhớ về ngày sinh của Bác với tấm lòng trân trọng và vô cùng thành kính. Bác đã đi xa nhưng tài sản mà Người để lại đó chính là tấm gương đạo đức trong sáng, mẫu mực, cao đẹp, kết tinh từ những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc và thời đại.

Cả cuộc đời Bác “nâng niu tất cả chỉ quên mình”, tấm lòng yêu nước thương dân, tất cả được cô đọng bằng những dòng Di Chúc sâu nặng, thiết tha, bao la chan chứa tình yêu thương con người: “Cuối cùng tôi để tại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng”(1). Nhớ về những kỷ niệm Ngày sinh của Bác khi Người còn sống, Người thường tránh việc tổ chức linh đình, tốn kém, tránh quà cáp, biếu xén. Nhiều năm trên cương vị là người đứng đầu Đảng cầm quyền – Đảng Lao động Việt Nam, người đứng đầu Nhà nước – Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bác thường tránh mọi người tổ chức ngày sinh của mình. Có năm sang nước bạn, bên nước bạn phát hiện ngày sinh của Người, liền tổ chức chúc tụng, chiêu đãi, tặng hoa. Bác đã bày tỏ rõ tâm tình của mình là không muốn được mọi người tung hô, chúc tụng. Có lần Bác còn yêu cầu đồng chí Bí thư riêng của mình là nhắc mọi người dành quà mừng tặng sinh nhật Bác để giúp cho các cháu thiếu nhi, nhi đồng có thêm điều kiện học tập, vui chơi.

Đúng như những vần thơ của Nhà thơ Tố Hữu: “Bác ơi! Tim Bác mênh mông thế. Ôm cả non sông mọi kiếp người”, tình thương yêu của Bác là vô cùng rộng lớn và dành cho tất cả mọi tầng lớp nhân dân. Không chỉ “Sữa để em thơ, lụa tặng già”, Bác còn quan tâm đến chỗ ở, việc làm, đến từng bát cơm, manh áo hàng ngày cho nhân dân.

Sinh thời Bác nói “ Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành “(2). Ham muốn đó là tình cảm rộng lớn, dành cho Tổ quốc, nhân dân, ai cũng như ai, có cuộc sống no ấm. Điểm nổi bật trong tình yêu thương con người của Bác còn là sự bao dung và độ lượng rộng lớn, đặc biệt là những người mắc phải khuyết điểm. Người nói: “Người đời ai cũng có chỗ tốt, chỗ xấu, ta phải khéo nâng chỗ tốt, khéo sữa chữa chỗ xấu cho họ”(3). Trong sinh hoạt Đảng, Bác căn dặn: ”Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”(4).

Bên cạnh đó, tình yêu thương con người ở Bác còn thể hiện qua sự trân trọng, đề cao con người. Bác đánh giá cao vai trò của nhân dân: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân”(5). Bác tôn trọng từ các bậc hiền tài, các nhà khoa học, cho tới những người lao công quét rác, bởi theo Bác, từ Chủ tịch nước tới người lao động bình thường, nếu hoàn thành tốt nhiệm vụ, đều được coi trọng, đều vẻ vang như nhau. Không chỉ dừng lại ở biên giới quốc gia, tình yêu thương, lòng nhân ái của vị lãnh tụ kính yêu đã vượt qua cả danh giới địa lý, chính trị. Bác thương tất thảy những người cùng khổ, những người bị áp bức, bóc lột ở các nước trên thế giới, bởi “họ là thân thích ruột già, công nông thế giới đều là anh em”…

Tình yêu thương bao la ấy được thể hiện khi viết về những việc Đảng, Nhà nước cần làm sau ngày thắng lợi của cuộc kháng chiến chống mỹ xâm lược, Người đã nhấn mạnh: “Đầu tiên là công việc đối với con người. Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong…), Đảng, Chính phủ và đồng bảo phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn, chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để học có thể dần dàn “tự lực cánh sinh”(6). Bác nhắc nhỏ: “Đối với các liệt sĩ, mỗi địa phương (thành phố, làng, xã) cần xây dựng vườn hoa và bia tưởng niệm ghi sự hy sinh anh dững của các liệt sĩ, để đời đời giáo dực tinh thần yêu nước cho nhân dân ta”(7). Người cũng chu đáo, quan tâm đến cha, mẹ vợ, con của thương binh và liệt sĩ và dặn “phải giúp đỡ họ có công ăn việc làm thích hợp, quyết không để học bị đói, rét”(9).

Trong chiến lược xây dựng con người, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng việc đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ. Người rất quan tâm tới những chiến sĩ trẻ tuổi trong các lực lượng vũ trang nhân dân và thanh niên xung phong đã được rèn luyện trong chiến đấu. Người đã căn dặn: “Đảng và Chính phủ cần chọn một số ưu tú nhất, cho các cháu ấy đi học thêm các ngành, các nghề để đào tạo thành những cán bộ, công nhân có kỹ thuật giỏi, tư tưởng tốt, lập trường cách mạng vững chắc. Đó là đội quân chủ lực trong công cuộc xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội ở nước ta”(9). Đây là tư tưởng thể hiện rất rõ sự thống nhất giữa tính nhân văn cộng sản, tầm nhìn chiến lược về việc lựa chọn, bồi dưỡng và phát huy nhân tố con người của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thực tế của cuộc sống đã chứng minh tư tưởng ấy của Người là hoàn toàn đúng đắn.

Không những vậy, Người còn dành sự quan tâm sâu sắc đến việc bồi dưỡng, cất nhắc, giúp đỡ phụ nữ để họ được tiến bộ, bình đẳng và thật sự được giải phóng. Người đã khẳng định: “Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày càng có nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”(10).

Trong những ngày tháng Năm lịch sử kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890/19-5-2020), đồng bào, chiến sĩ cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài đang hướng về Bác với tất cả lòng tôn kính và niềm thương nhớ khôn nguôi. Thân thế và sự nghiệp của Người là bản hùng ca bất diệt; là tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, về lý tưởng cộng sản, về đạo đức cách mạng trong sáng.

Tháng Năm nhớ Bác, là học ở Bác đức tính khiêm tốn, giản dị, hết lòng vì dân, vì nước, vì những mảnh đời còn gian nan vất vả; là không ngừng tu dưỡng rèn luyện theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác trong công việc cũng như từ những việc giản dị đời thường trong cuộc sống. Cán bộ công chức, viên chức phải hết lòng tận tụy phục vụ nhân dân, phát huy tinh thần đoàn kết giúp đỡ đồng nghiệp. Thế hệ thanh niên chúng ta phải tiên phong, gương mẫu, ra sức rèn đức, luyện tài để xứng đáng là Thanh niên thế hệ Bác Hồ, là những chủ nhân tương lai của đất nước.

Nửa thế kỷ Bác đã đi xa nhưng “Bác để tình thương cho chúng con, một đời thanh bạch chẳng vàng son”. Tình yêu thương và tư tưởng, tấm gương đạo đức của Bác mãi mãi là niềm tin tất thắng, được cả thế giới ngưỡng mộ và là biểu tượng sáng ngời cho các thế hệ người Việt Nam học tập, làm theo; mãi mãi là ngọn đuốc soi đường cho Cách mạng Việt Nam ta, cho nhân dân Việt Nam ta tiến lên.

(1)              - Hồ Chí Minh. Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội 1995

(2)              - Hồ Chí Minh. Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, T.4, Tr.161-162

(3)              - Hồ Chí Minh. Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, T.5, Tr. 279

(4)              - Hồ Chí Minh. Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, T.12, Tr.498

(5)              Hồ Chí Minh. Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, T.8, Tr.276

(6)              Đến (10) - Hồ Chí Minh. Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, T.12, Tr.503,504

Võ Ngọc Thư - Trung tâm CNTT
Thông báo - hướng dẫn

Thống kê truy cập
  • Đang online: 105
  • Hôm nay: 3179
  • Trong tuần: 7 635
  • Tất cả: 2643126