Lượt xem: 7186
Tiềm năng, lợi thế về vị trí, nguồn tài nguyên khu vực ven biển tỉnh Sóc Trăng và đề xuất giải pháp
Tiềm năng, lợi thế về vị trí, nguồn tài nguyên khu vực ven biển tỉnh Sóc Trăng và đề xuất giải pháp
I. Tiềm năng, lợi thế và kết quả thực hiện công tác quản lý tài nguyên và môi trường biển

1. Tiềm năng, lợi thế khu vực ven biển tỉnh Sóc Trăng:

Sóc Trăng là tỉnh có vị trí nằm ở cuối nguồn sông Mê Công, tiếp giáp biển Đông với chiều dài hơn 72km bờ biển và thông ra biển với 03 cửa sông chính là cửa Định An, Trần Đề và cửa cửa sông Mỹ Thanh. Trong đó, cửa Định An là đầu mối giao thông quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long; cửa Trần Đề có cảng cá Trần Đề là khu dịch vụ hậu cần nghề cá; nơi tránh, trú bão của các tàu thuyền và nơi đây còn diễn ra các hoạt động lưu thông, ra vào của các phương tiện khai thác thuỷ, hải sản trong và ngoài tỉnh. Mặt khác, Sóc Trăng còn là một trong 28 tỉnh, thành phố có biển của cả nước, khu vực ven biển của tỉnh gồm 02 huyện, 01 thị xã là huyện Cù Lao Dung, huyện Trần Đề và thị xã Vĩnh Châu. Tổng diện tích tự nhiên của khu vực là 118.700ha với hơn hơn 43.717 ha diện tích đất bãi bồi, hơn 7 000 ha diện tích rừng phòng hộ ven sông, ven biển và hơn 600 ha diện tích cồn cát mới nổi cách bờ khoảng 7 km. Sự kết hợp giữa các cửa sông, rừng ngập mặn ven sông, ven biển đã tạo cho khu vực tính đa dạng sinh học có hiệu suất cao, là bãi đẻ và là nơi trú ngụ của nhiều giống loài thủy, hải sản nước lợ, nước mặn có giá trị kinh tế, thuận lợi cho phát triển ngành nuôi trồng thủy sản của tỉnh.

Chi cục biển phối hợp các chuyên gia của Đại học Cần Thơ và Hàn Quốc  khảo sát rừng ngập mặn

Với vị thế thuận lợi, nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng đã tạo cho khu vực tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội đa ngành như: nông nghiệp – lâm nghiệp – thủy sản, công nghiệp, dịch vụ và phát triển du lịch biển. Ngoài ra, với diện tích bãi bồi rộng và dài chạy dọc theo chiều dài bờ biển với diện tích hơn 52.238ha, trong đó có 300ha bãi nghêu giống, trên 5.000 ha nghêu thương phẩm và nơi đây còn có tiềm năng giao đất để phát triển năng lượng sạch tái tạo (năng lượng điện gió) và đầu tư phát triển du lịch sinh thái biển. Theo số liệu của “Đề án điều tra, đánh giá tiềm năng tài nguyên khoáng sản khu vực biển ven bờ tỉnh Sóc Trăng” do Bộ TNMT thực hiện đã xác định khoáng sản ven bờ và đáy biển tỉnh Sóc Trăng có trữ lượng khá lớn, chỉ tính riêng khoáng sản cát có thể làm vật liệu xây dựng và san lấp đã có khối lượng trên 11,9 tỷ m3 có thể khai, sử dụng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Bãi bồi Vĩnh Châu – tiềm năng phát triển kinh tế biển

 

Từ các vấn đề trên cho thấy với vị trí tiếp giáp và nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng đã tạo cho tỉnh tiềm năng, lợi thế về phát triển kinh tế biển so với các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

2. Kết quả thực hiện công tác quản lý tài nguyên và môi trường biển:

Thời gian qua, nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có kết hợp khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường khu vực ven biển, thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh, Sở TNMT đã phối hợp với các sở ngành, đơn vị, địa phương liên quan tham mưu cho tỉnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, cụ thể như:

- Tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về tài nguyên, môi trường biển hàng năm thông qua các hoạt động: Tập huấn triển khai; phát hành Sổ tay, Tờ rơi để tuyên truyền; tổ chức lễ phát động, treo băng rôn, Panô, áp phích với các khẩu hiệu tuyên truyền; tổ chức làm vệ sinh thu góp rác thải, thực hiện các công trình cải tạo khắc phục ô nhiễm các sông, kênh rạch khu vực ven biển…để hưởng ứng Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, ngày Đại dương Thế giới hàng năm theo hướng dẫn của Bộ TNMT.

- Quan trắc chất lượng nước biển ven bờ định kỳ theo Quy hoạch mạng lưới quan trắc môi trường tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020 để đánh giá, dự báo diễn biến chất lượng nước phục vụ công tác quản lý, kiểm soát ô nhiễm môi trường khu vực ven biển của tỉnh.

                - Thực hiện Dự án Bảo vệ, phục hồi năng suất sinh học và khả năng cung cấp nguồn dinh dưỡng, nơi sinh sản của hệ sinh thái biển tỉnh Sóc Trăng, giai đoạn 2015-2020;  Kế hoạch điều tra, xác định khu vực môi trường bị ô nhiễm trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng; Điều tra, đánh giá các nguồn thải từ đất liền và từ trên biển; xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng và bản đồ nhạy cảm môi trường đường bờ phục vụ công tác ứng phó sự cố tràn dầu khu vực ven biển tỉnh Sóc Trăng” và “Lập báo cáo hiện trạng quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường vùng ven biển tỉnh Sóc Trăng”.

- Triển khai thực hiện Dự án “Thành lập khu dự trữ thiên nhiên rừng ngập mặn Cù Lao dung, tỉnh Sóc Trăng” theo Quyết định số 45/QĐ-TTg, ngày 08/11/2014 của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch tổng thể bảo tồnbảo tồn đa dạng sinh học của cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Dự án này đã được UBND tỉnh đưa vào Danh mục dự án ưu tiên thực hiện trong Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020 (theo Quyết định số 16/QĐ-UBND ngày 28/1/2013), hiện đã thông qua Hội đồng thẩm định dề cương Dự án và đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục trình UBND tỉnh phê duyệt Đề cương, dự toán để triển khai thực hiện.

- Phối hợp với các tổ chức quốc tế thực hiện các dự án: Dự án “Nghiên cứu hệ sinh thái biển, khảo sát và phân tích chất lượng nước tại tỉnh Sóc Trăng, Việt Nam”, giai đoạn (2015 - 2017) và Dự án ‘‘Bảo tồn và làm sạch bãi bùn Mỏ Ó ở cửa sông Mê kông" tại tỉnh sóc trăng’’.

                Ngoài ra, hiện Sở TNMT đang tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện dự án “Thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển tỉnh Sóc Trăng” và dự án “Lập và quản lý hồ sơ tài nguyên hải đảo trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng” để phục vụ công tác quản lý, dự kiến 02 dự án này sẽ hoàn thành trong năm 2019.

II. Những khó khăn, hạn chế và đề xuất giải pháp

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường vùng ven biển trên địa bàn tỉnh cũng còn gặp những khó khăn, hạn chế như:

- Công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục, chủ yếu tuyên truyền nhân các sự kiện về biển và lồng ghép với các lĩnh vực khác nên chưa sâu rộng đến các tầng lớp nhất dân, nhất là cộng đồng dân cư khu vực ven biển.

- Cơ sở dữ liệu về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo chưa đầy đủ; thiếu trang thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác quản lý, giao khu vực biển cho các tổ chức, cá nhân khai thác sử dụng; trang thiết bị phân tích chất lượng trầm tích và quan trắc môi trường biển; công chức thực hiện nhiệm vụ quản lý tổng hợp về tài nguyên, môi trường biển còn mỏng, chưa được đào tạo chuyên sâu nên đôi lúc còn lúng túng trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

- Các Chương trình, dự án quốc tế mới triển khai ở quy mô nhỏ, chưa thu hút được sự quan tâm của các đối tác, chưa chủ động xây dựng dự án và tìm đối tác để liên kết. Hợp tác quốc tế trên lĩnh vực khoa học công nghệ về biển, điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, chưa triển khai  quản lý tổng hợp vùng bờ.

Nhằm tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế khu vực ven biển của tỉnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và bảo vệ môi trường biển trong thời gian tới, Sở TNMT tiếp tục tham mưu UBND tỉnh thực hiện:

- Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về tài nguyên, môi trường môi trường biển và hải đảo, nhằm nâng cáo ý thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư trong khai thác sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường khu vực biển.

- Đơn giản hóa thủ tục hành chính về giao khu vực biển, tạo điều kiện thuận lợi để khuyến khích các nhà đầu tư tham gia khai thác, sử dụng khu vực biển phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

- Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án “Thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển tỉnh Sóc Trăng” và dự án “Lập và quản lý hồ sơ tài nguyên hải đảo trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng” để phục vụ công tác quản lý.

- Đề xuất UBND tỉnh cho chủ trương thực hiện dự án “Xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên, môi trường vùng bờ trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng” và xây dựng “Chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng” theo quy định tại Thông tư số 49/2017/TT-BTNMT ngày 30/11/2017 của Bộ TNMT.

                - Tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng các mô hình quản lý có sự tham gia của công đồng dân cư khu vực ven biển; nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ về biển; điều tra cơ bản về tài nguyên, môi trường biển. Tăng cường học tập kinh nghiệm và tiếp cận các phương pháp, thiết bị khoa học, công nghệ mới của các nước phát triển để nâng cao năng lực quản lý và khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của vùng biển Sóc Trăng.

                - Đẩy mạnh công tác giám sát các nguồn thải từ đất liền và các nguồn thải từ trên biển để có kế hoạch kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm để bảo vệ môi trường vùng ven biển. Tổ chức thanh tra, kiểm tra các nguồn thải gây ô nhiểm để phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm theo quy định pháp luật.

                                                                                          Đồng Thống Nhất

Thông báo - hướng dẫn

Thống kê truy cập
  • Đang online: 160
  • Hôm nay: 3242
  • Trong tuần: 7 698
  • Tất cả: 2643189