Lượt xem: 2509
Ngành Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng trước Cách mạng công nghiệp 4.0
Nếu vào dịch vụ tìm kiếm Google trên internet gõ từ khóa “Cách mạng công nghiệp 4.0” lập tức hệ thống trả về cho ta hàng triệu kết quả, cho thấy đây là vấn đề được quan tâm nhiều hiện nay. Bài viết này thông tin về Cách mạng công nghiệp 4.0, những chủ trương, chính sách của nhà nước, những cơ hội, thách thức và những vấn đề cần thực hiện để tiếp cận Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) của ngành tài nguyên và môi trường tỉnh Sóc Trăng. Cách mạng công nghiệp 4.0
Trong lịch sử, thế giới trải qua 4 cuộc cách mạng công nghiệp. Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất bắt đầu từ năm 1784 về sản xuất cơ khí với máy chạy bằng hơi nước và thủy lực. Cách mạng công nghiệp lần thứ 2 bắt đầu từ năm 1870 về sản xuất hàng loạt với máy chạy bằng điện. Cách mạng công nghiệp lần thứ 3 bắt đầu từ năm 1969 về sản xuất tự động, đánh dấu kỷ nguyên máy tính, điện toán và số hóa. Những công nghệ hiện nay chúng ta thụ hưởng như vệ tinh, máy bay, máy tính, điện thoại, Internet… là thành quả của cuộc cách mạng này. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư hay Cách mạng công nghiệp 4.0 (tiếng Anh: 4th Industry Revolution, tiếng Đức: Industrie 4.0) lần đầu tiên được lấy làm chủ đề tại Hội chợ triễn lãm công nghiệp lớn nhất thế giới tại Hannover (Đức) năm 2011.

Ảnh: Các cuộc cách mạng công nghiệp (nguồn internet)

Cách mạng công nghiệp 4.0 là cuộc cách mạng với xu hướng phát triển dựa trên nền tảng tích hợp cao độ của hệ thống kết nối số hóa - vật lý - sinh học với sự đột phá của Internet vạn vật (IoT) và trí tuệ nhân tạo (AI) đang làm thay đổi căn bản nền sản xuất của thế giới. Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với đặc điểm là tận dụng một cách triệt để sức mạnh lan tỏa của số hóa và công nghệ thông tin. Làn sóng công nghệ mới này đang diễn ra với tốc độ khác nhau tại các quốc gia trên thế giới, nhưng đang tạo ra tác động mạnh mẽ, ngày một gia tăng tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, dẫn đến việc thay đổi phương thức và lực lượng sản xuất của xã hội.

Đối với nước ta, Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mở ra nhiều cơ hội trong việc nâng cao trình độ công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất và cạnh tranh trong chuỗi sản phẩm; tạo ra sự thay đổi lớn về hình thái kinh doanh dịch vụ; tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; giảm đáng kể chi phí giao dịch, vận chuyển; tạo cơ hội đầu tư hấp dẫn và đầy tiềm năng trong lĩnh vực công nghệ số và Internet đồng thời cũng là cơ hội lớn cho sản xuất công nghiệp với trình độ khoa học và công nghệ tiên tiến. Tuy nhiên, nếu không bắt kịp nhịp độ phát triển của thế giới và khu vực, Việt Nam sẽ phải đối mặt những thách thức, tác động tiêu cực như: sự tụt hậu về công nghệ, suy giảm sản xuất, kinh doanh; dư thừa lao động có kỹ năng và trình độ thấp gây phá vỡ thị trường lao động truyền thống, ảnh hưởng tới tình hình kinh tế xã hội đất nước; mất an toàn, an ninh thông tin, xâm phạm bản quyền, thiếu hụt nguồn nhân lực trình độ cao. Mặt khác có khả năng xuất hiện làn sóng đẩy công nghệ lạc hậu từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển và chậm phát triển.

Chính sách, chủ trương của Nhà nước về tiếp cận CMCN 4.0

Ngày 04/5/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị số 16/CT-TTg về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nội dung chỉ thị nhận định xu hướng của thế giới về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, năng lực của Việt Nam để tiếp cận cuộc cách mạng này, đồng thời yêu cầu các cơ quan nhà nước chủ động nắm bắt cơ hội, đưa ra các giải pháp thiết thực tận dụng tối đa các lợi thế, đồng thời giảm thiểu những tác động tiêu cực của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đối với Việt Nam. Các giải pháp cụ thể như sau:

1. Tập trung thúc đẩy phát triển, tạo sự bứt phá thực sự về hạ tầng, ứng dụng và nhân lực công nghệ thông tin - truyền thông. Phát triển hạ tầng kết nối số và bảo đảm an toàn, an ninh mạng tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp dễ dàng, bình đẳng trong tiếp cận các cơ hội phát triển nội dung số.

2. Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện các Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 06 tháng 02 năm 2017, số 35/NQ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2016 và số 36a/NQ-CP ngày 14 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ nhằm cải thiện môi trường cạnh tranh kinh doanh để thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhanh chóng hấp thụ và phát triển được các công nghệ sản xuất mới. Các bộ, ngành cần khẩn trương triển khai xây dựng chính phủ điện tử; tiếp tục chủ động rà soát, bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không còn phù hợp; sửa đổi các quy định quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo hướng đơn giản hóa và hiện đại hóa thủ tục hành chính.

3. Rà soát lại các chiến lược, chương trình hành động, đề xuất xây dựng kế hoạch và các nhiệm vụ trọng tâm để triển khai phù hợp với xu thế phát triển của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Xây dựng chiến lược chuyển đổi số, nền quản trị thông minh, ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ số, nông nghiệp thông minh, du lịch thông minh, đô thị thông minh. Rà soát, lựa chọn phát triển sản phẩm chủ lực, sản phẩm cạnh tranh chiến lược của quốc gia bám sát các công nghệ sản xuất mới, tích hợp những công nghệ mới để tập trung đầu tư phát triển.

4. Tập trung thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia theo hướng xây dựng các cơ chế, chính sách cụ thể, phù hợp để phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo như: Có cơ chế tài chính thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của doanh nghiệp với tôn chỉ doanh nghiệp là trung tâm; đổi mới cơ chế đầu tư, tài trợ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; có chính sách để phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; kết nối cộng đồng khoa học và công nghệ người Việt Nam ở nước ngoài và cộng đồng trong nước.

5. Thay đổi mạnh mẽ các chính sách, nội dung, phương pháp giáo dục và dạy nghề nhằm tạo ra nguồn nhân lực có khả năng tiếp nhận các xu thế công nghệ sản xuất mới, trong đó cần tập trung vào thúc đẩy đào tạo về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM), ngoại ngữ, tin học trong chương trình giáo dục phổ thông; đẩy mạnh tự chủ đại học, dạy nghề; thí điểm quy định về đào tạo nghề, đào tạo đại học đối với một số ngành đặc thù. Biến thách thức dân số cùng giá trị dân số vàng thành lợi thế trong hội nhập và phân công lao động quốc tế.

6. Nâng cao nhận thức của lãnh đạo các cấp, các ngành, các địa phương, doanh nghiệp và toàn xã hội về cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Tăng cường hội nhập quốc tế và thông tin, truyền thông tạo hiểu biết và nhận thức đúng về bản chất, đặc trưng, các cơ hội và thách thức của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để có cách tiếp cận, giải pháp phù hợp, hiệu quả.

Ảnh: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Diến đàn cấp cao CNTT-TT Việt Nam năm 2017 (nguồn ictnews.vn)

Tại Diễn đàn cấp cao công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam năm 2017 (Vietnam ICT Summit 2017) ngày 6/9/2017 diến ra tại Hà Nội với chủ đề “Việt Nam: chuyển đổi số trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh “Chúng ta đã nói rất nhiều tới cách mạng công nghiệp 4.0. Chắc chắn trong cuộc cách mạng này chúng ta phải kết nối chặt chẽ hơn giữa nhà nước, hiệp hội, doanh nghiệp. Chúng ta phải cởi mở, chia sẻ với nhau nhiều hơn. Trong công nghệ thông tin phải kết nối, chia sẻ với nhau”, đồng thời chỉ đạo “Hãy tập trung vào những việc tưởng rằng mới nhưng không mới với tâm thế mới, quyết tâm mới”. Tiếp thu ý kiến phát biểu chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn, cùng rất nhiều ý kiến đóng góp của các diễn giả, các chuyên gia và đại biểu, Vietnam ICT Summit 2017 đã thống nhất đưa ra thông điệp với những nội dung sau:

1. Thống nhất nhận thức sâu sắc rằng CMCN 4.0 là thời cơ thực hiện khát vọng phồn vinh của dân tộc, không thể bỏ lỡ. Tương lai của Việt Nam phụ thuộc vào nhận thức, khát vọng và sự dấn thân của lãnh đạo đất nước, mỗi doanh nghiệp và mỗi người dân cho việc hiện thực hóa khát vọng này.

Việt Nam phải có dũng khí và hành động quyết liệt để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức của CMCN 4.0; phải tạo được môi trường khuyến khích sáng tạo, hệ thống chính sách, pháp luật thông thoáng, thúc đẩy các mô hình sản xuất kinh doanh mới phát triển. Trước hết Việt Nam phải sớm có chiến lược chuyển đổi số quốc gia để định hướng phát triển kinh tế - xã hội số; trên cơ sở đó xây dựng chiến lược, kế hoạch chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng cơ quan, từng doanh nghiệp, từng sản phẩm; đảm bảo tiến trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa và tái cơ cấu nền kinh tế, thực hiện ba đột phá chiến lược phải được diễn ra trên cơ sở chuyển đổi số trong mọi ngành, mọi lĩnh vực và ở mọi cấp độ.

2. Cả hệ thống chính trị, các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, các trường đại học, các viện nghiên cứu, các nhà khoa học và cộng đồng xã hội, trong đó sự liên kết giữa cơ quan nhà nước – doanh nghiệp – trường đại học, viện nghiên cứu giữ vai trò nòng cốt, cùng phối hợp hành động quyết liệt và kịp thời bằng các giải pháp thiết thực, cụ thể để thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao năng lực tiếp cận CMCN 4.0.

3. Tạo thuận lợi phát triển nền kinh tế số, tập trung ưu tiên các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế của Việt Nam, trước hết là công nghiệp công nghệ số, nông nghiệp thông minh và du lịch thông minh, trở thành những điểm sáng nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ kinh tế số thế giới. Tháo gỡ mọi rào cản, xây dựng hệ sinh thái để thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển khu vực kinh tế tư nhân thực sự là động lực chính của nền kinh tế số.

4. Thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới giáo dục đào tạo, chú trọng đào tạo và đào tạo lại kiến thức, kỹ năng mới, nhất là tiếng Anh, toán học, và tư duy hệ thống; đưa các nội dung liên quan đến CMCN 4.0 vào chương trình phổ thông, dạy nghề, đại học; có kế hoạch chủ động về chuyển đổi việc làm và đảm bảo an sinh xã hội đối với các nhóm lao động có nguy cơ mất việc làm cao trong CMCN 4.0, nhất là nhóm lớn tuổi và các nhóm xã hội dễ bị tổn thương khác; khơi dậy và cổ vũ tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí dấn thân khởi nghiệp, sáng tạo của từng người dân, từng gia đình, từng trường học, từng cộng đồng, từng doanh nghiệp; chuẩn bị sẵn sàng thích ứng với những thay đổi căn bản của các mối quan hệ xã hội trong thời đại số.

5. Hình thành hệ thống chính sách, pháp luật khuyến khích phát triển và đảm bảo sự kết nối, chia sẻ cũng như sử dụng hiệu quả hạ tầng số quốc gia, bao gồm: Hạ tầng viễn thông, Hạ tầng dữ liệu (đặc biệt là dữ liệu mở - Open Data), Hạ tầng thông tin và Hạ tầng tri thức; xây dựng và thực thi hiệu quả chính sách khuyến khích, ưu đãi thuế cho hoạt động đầu tư phát triển hạ tầng số và đảm bảo an toàn, an ninh mạng.

6. Khẩn trương xây dựng các thành phố thông minh, tạo dựng hệ sinh thái cho các dịch vụ phục vụ dân sinh phát triển, an toàn cho người dân theo các tiêu chí, tiêu chuẩn về đô thị thông minh, cộng đồng thông minh của thế giới và phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam; trước tiên cần sớm xây dựng trung tâm điều hành kết nối thông tin của thành phố; đảm bảo hạ tầng thông tin là một cấu phần bắt buộc trong hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị; áp dụng mô hình thông tin đô thị CIM (City Imformation Model) và sử dụng dữ liệu lớn từ IoT để quy hoạch, thiết kế, xây dựng và vận hành đô thị.

Đối với tỉnh Sóc Trăng, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 12-CTr/TU ngày 03/01/2017 thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị Khóa XI về đẩy mạnh phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế; UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 26/KH-UBND ngày 28/02/2017 về thực hiện nghị quyết 19-2017/NQ-CP ngày 06/02/2017 của chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh năm 2017, định hướng đến năm 2020, Kế hoạch số 63/KH-UBND ngày 01/6/2017 về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2016-2020, Kế hoạch số 113/KH-UBND ngày 16/10/2017 thực hiện chương trình hành động số 12-CTr/TU ngày 03/01/2017 của Tỉnh ủy cùng nhiều chủ trương, chính sách, văn bản chỉ đạo khác của Tỉnh ủy, UBND tỉnh với các mục tiêu chủ yếu như sau:

1. Tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn quy trình xử lý, giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính, giảm chi phí hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan hành chính nhà nước, tạo chuyển biến rõ nét về nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức về tinh thần phục vụ người dân và doanh nghiệp.

2. Xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thân thiện, an toàn và minh bạch hơn, chấn chỉnh lề lối làm việc, nâng cao hiệu quả quản lý điều hành, đưa tỉnh Sóc Trăng trở thành tỉnh có chỉ số PCI nằm trong nhóm tốt.

3. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các ngành, lĩnh vực, cải cách thủ tục hành chính; tăng cường giải quyết thủ tục hành chính qua môi trường mạng đối với những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp; đẩy mạnh kết nối, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan nhà nước. Đến năm 2020 cung cấp ít nhất 60% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 30% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.

4. Phát triển hạ tầng kỹ thuật, các hệ thống thông tin tạo nền tảng phát triển Chính quyền điện tử, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin. Tích hợp, kết nối, liên thông, chia sẻ thông tin, cơ sở dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước với Chính phủ, các bộ ngành trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác trên cơ sở Kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Sóc Trăng.

5. Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh; đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin đảm bảo xây dựng Chính quyền điện tử. Đến năm 2020, hoàn thành xây dựng Chính quyền điện tử, 100% cơ quan nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện có cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin đạt trình độ đại học trở lên, 100% UBND cấp xã có cán bộ phụ trách công nghệ thông tin.

Ngành tài nguyên và môi trường Sóc Trăng trước CMCN 4.0

Tập thể lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng rất quyết tâm trong việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ quản lý ngành để tạo tiền đề tiếp cận CMCN 4.0 theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và việc này đã được thực hiện suốt quá trình phát triển của ngành trong nhiều năm qua. Đến thời điểm hiện tại, việc ứng dụng công nghệ thông tin của ngành đạt được một số kết quả như sau:

1. Công tác chỉ đạo điều hành đã dần chuyển sang số hóa thông qua phần mềm do tỉnh triển khai và đơn vị tự phát triển, cụ thể như quản lý văn bản điện tử, quản lý một cửa điện tử, quản lý nhân sự, quản lý tài sản, tài chính,...

2. Công khai hoạt động ngành, công bố thông tin theo quy định của pháp luật, phổ biến pháp luật, công khai thủ tục hành chính,... qua môi trường mạng internet thông qua cổng thông tin điện tử, cổng thông tin công khai về tài nguyên và môi trường.

3. Cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với các thủ tục hành chính và dịch vụ công của Sở đạt tất cả ở mức độ 2, trong đó có 9 thủ tục và dịch vụ đạt mức độ 3.

4. Xây dựng, quản lý, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường theo quy định của Chính phủ. Hiện tại đã hoàn chỉnh cơ sở dữ liệu về môi trường, xây dựng và triển khai phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu cam kết, đề án và kế hoạch bảo vệ môi trường cho cấp huyện sử dụng và cập nhật thường xuyên, từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai tập trung thông qua luân chuyển hồ sơ số giữa Văn phòng Đăng ký đất đai cấp tỉnh và các chi nhánh, hiện tại đã thực hiện thí điểm một số địa phương mang lại nhiều hiệu quả đáng kể,...

5. Ứng dụng các phần mềm chuyên ngành cho hoạt động chuyên môn, đối với ngành tài nguyên và môi trường tất cả các hoạt động chuyên môn đề ứng dụng phần mềm chuyên ngành để thu thập, xử lý dữ liệu tạo điều kiện thuận lợi trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu và kết nối, chia sẻ thông tin. Cụ thể như ứng dụng phần mềm chuyên ngành cho công tác đo đạc bản đồ, biên tập bản đồ, phân tích, xử lý số liệu quan trắc,...

Bên cạnh các kết quả đạt được thì ứng dụng công nghệ thông tin của ngành cũng còn một số hạn chế như: ứng dụng các phần mềm trong quản lý điều hành chưa triệt để, còn kết hợp giữa số hóa và thủ công gây nhiều khó khăn cho việc quản lý, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức 3 và 4 tuy có số lượng nhưng chất lượng chưa cao, tỷ lệ hồ sơ nộp qua hệ thống dịch vụ trực tuyến ít, ứng dụng nhiều phần mềm cho hoạt động chuyên môn nhưng còn rời rạc, dữ liệu phân tán, chưa có giải pháp tổng hợp hiệu quả, hồ sơ chưa được số hóa còn nhiều (nhất là đối với lĩnh vực đất đai), cơ sở dữ liệu đã có triển khai xây dựng nhưng chưa đồng bộ, chưa đầy đủ trên tất cả các lĩnh vực. Nguyên nhân các hạn chế trên trước hết là do kinh phí đầu tư cho ứng dụng công nghệ thông tin của tỉnh và ngành còn hạn chế nên một số phần mềm triển khai dùng chung mang tính thử nghiệm, chưa triệt để, công tác tuyên truyền cho người dân tham gia vào dịch vụ hành chính công trực tuyến chưa tốt, chưa có cơ chế phù hợp để khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ hành chính công trực tuyến, việc sử dụng các phần mềm chuyên ngành chỉ mang tính xử lý riêng biệt, chưa có quy chế quản lý hiệu quả, tài liệu của ngành quá rộng, nhiều hồ sơ tài liệu mang nhiều thông tin khác nhau nhưng chưa có giải pháp chuẩn hóa, đồng bộ phù hợp, kinh phí cho việc số hóa tài liệu hàng năm còn ít.

Trong thời gian tới, để phát huy kết quả đạt được và khắc phục những hạn chế như trên, ngành tài nguyên và môi trường tỉnh Sóc Trăng phải thực hiện các nhiệm vụ giải pháp sau đề đạt mục tiêu theo quy định của Chính phủ, Tỉnh ủy và UBND tỉnh:

1. Xây dựng khung Chính quyền điện tử ngành tài nguyên và môi trường theo khung Chính quyền điện tử tỉnh, triển khai thực hiện các phần mềm quản lý phục vụ chỉ đạo điều hành có hiệu quả theo lộ trình triển khai thực hiện các phần mềm dùng chung của tỉnh để đảm bảo liên thông, liên kết theo mô hình Chính quyền điện tử.

2. Tiếp tục hoàn thiện cổng thông tin điện tử, cổng công khai thông tin tài nguyên và môi trường, cập nhật thông tin thường xuyên để công khai hoạt động, thông tin của ngành, phổ biến chính sách pháp luật, công khai thủ tục hành chính và các nội dung cần công khai, công bố khác.

3. Triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 với số lượng phù hợp (đến năm 2020 cung cấp ít nhất 60% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 30% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4). Tăng cường công tác tuyên truyền và hướng dẫn người dân và doanh nghiệp sử dụng với hình thức phù hợp thông qua cổng thông tin điện tử, hội thảo, hướng dẫn trực tiếp,...

4. Sử dụng các phần mềm chuyên ngành hiệu quả, tăng cường sử dụng công nghệ mới, phát huy được các kết quả thu về từ các phần mềm chuyên ngành để hiện đại hóa công tác chuyên môn và xây dựng tốt cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường. Đặc biệt, đối với các phần mềm chuyên ngành cần có quy chế quản lý phù hợp để tránh phân tán dữ liệu, lạc hậu dữ liệu.

5. Xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường theo quy định tại Nghị định số 73/NĐ-CP ngày 08/6/2017 của Chính phủ về việc thu thập, quản lý, khai thác và sử dụng thông tin dữ liệu về tài nguyên và môi trường. Đây là nhiệm vụ quan trọng cần quan tâm thực hiện thường xuyên để xây dựng được môi trường quản lý hiện đại, phục vụ kịp thời nhu cầu sử dụng, cung cấp và trao đổi thông tin trong và ngoài ngành. Kết hợp điều tra, khảo sát thời gian thực (quan trắc tự động, ảnh viễn thám,...), cơ sở dữ liệu hiện có và công nghệ xử lý thông minh để xây dựng các hệ thống dự báo, cảnh báo phục vụ quản lý, xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Ngoài ra, để phát huy hiệu quả sử dụng cần ban hành quy chế quản lý, cập nhật, khai thác và sử dụng hợp lý.

6. Phát triển đội ngũ cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin phù hợp với yêu cầu công việc.

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang diễn ra mạnh mẽ vì vậy tiếp cận và hội nhập vào cuộc cách mạng này là yêu cầu cấp thiết của các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp với các hành động thiết thực, phù hợp theo như chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại ICT Summit 2017: “Hãy tập trung vào những việc tưởng rằng mới nhưng không mới với tâm thế mới, quyết tâm mới”.

Để thực hiện được các nhiệm vụ, giải pháp trên cần sự quyết tâm của công chức, viên chức, người lao động của ngành, sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Sở, sự tạo điều kiện thuận lợi cho triển khai các nhiệm vụ trong ngành của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự hỗ trợ, phối hợp thực hiện của các cơ quan, đơn vị có liên quan.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị Khóa XI về đẩy mạnh phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.

[2]. Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 06/02/2017 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020.

[3]. Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 04/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

[4]. Chương trình hành động số 12-CTr/TU ngày 03/01/2017 của Tỉnh ủy Sóc Trăng thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị Khóa XI.

[5]. Kế hoạch số 26/KH-UBND ngày 28/02/2017 về thực hiện nghị quyết 19-2017/NQ-CP ngày 06/02/2017 của chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh năm 2017, định hướng đến năm 2020.

[6]. Kế hoạch số 63/KH-UBND ngày 01/6/2017 về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2016-2020.

[7]. Kế hoạch số 113/KH-UBND ngày 16/10/2017 thực hiện chương trình hành động số 12-CTr/TU ngày 03/01/2017 của Tỉnh ủy.

Bùi Việt Phương

Trung tâm CNTT

Thông báo - hướng dẫn

Thống kê truy cập
  • Đang online: 44
  • Hôm nay: 902
  • Trong tuần: 4 934
  • Tất cả: 2279755