Lượt xem: 523
Thành tựu nổi bật trong công tác Cải cách hành chính của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng năm 2022
Đi cùng với mục tiêu chung của cả nước là tiếp tục xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân, với trọng tâm cải cách hành chính trong 10 năm tới là cải cách thể chế, trong đó tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế của nền hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và sự phát triển đất nước, trong đó, chú trọng cải cách chính sách tiền lương; xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.

Để tiếp tục triển khai thực hiện các mục tiêu trên, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng (Sở TN&MT) đã ban hành nhiều kế hoạch nhằm cụ thế hóa các nội dung, nhiệm vụ liên quan đến công tác cải cách hành chính của Sở nói riêng, của tỉnh Sóc Trăng nói chung. Theo đó, qua một năm với nhiều khó khăn sau đại dịch Covid - 19, tập thể công chức, viên chức Sở TN&MT đã không ngừng nổ lực đề ra nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác cải cách hành chính tại Sở.

Một là, tiếp tục tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật của ngành, trong đó cụ thể hoá các quy định luật về quản lý tài nguyên và môi trường phù hợp với tình hình địa phương là những vấn đề đang được đẩy mạnh. Nổi bật Sở TN&MT đã xây dựng, trình Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng ban hành Quyết định số 40/2021/QĐ-UBND ngày 02/12/2021 của UBND tỉnh Sóc Trăng ban hành Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng, theo đó làm cơ sở xây dựng và ban hành chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các phòng, đơn vị thuộc và trực thuộc Sở. Đồng thời, Sở TN&MT đã hoàn thành việc sắp xếp, tổ chức lại tổ chức bộ máy hành chính thuộc Sở, giảm từ 08 phòng xuống còn 05 phòng theo hướng sáp nhập Phòng Pháp chế vào Văn phòng Sở, sáp nhập Phòng Đo đạc Bản đồ và Viễn thám vào Chi cục Quản lý Quản lý đất đai, hợp nhất Chi cục Biển, Phòng Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu thành Phòng Tài nguyên Biển, Biến đổi khí hậu và Khí tượng thủy văn và hợp nhất Phòng Tài nguyên Nước và Phòng Khoáng sản thành Phòng Tài nguyên Nước, Khoáng sản; Giảm từ 03 chi cục xuống còn 02 chi cục và tổ chức lại các phòng chuyên môn thuộc chi cục. Giảm 07 chức danh Trưởng phòng và 07 chức danh Phó Trưởng phòng theo cơ cấu.

Việc sáp nhật, hợp nhất, sắp xếp các phòng, đơn vị tạo điều kiện tập trung về một đầu mối, giảm bớt đơn vị trung gian, hạn chế tình trạng chồng chéo trong công việc, giảm được đội ngũ công chức, viên chức quản lý, tăng đội ngũ công chức, viên chức tham mưu. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng tham mưu cũng như giải quyết kịp thời các nhiệm vụ được giao; đồng thời nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, xây dựng đội ngũ công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực, làm việc thực sự hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Bên cạnh đó, còn là cơ sở để rà soát, sắp xếp lại vị trí việc làm cho phù hợp và giải quyết các chính sách cho thôi việc, tinh giản biên chế đối với công chức, viên chức không đáp ứng được yêu cầu.

Hai là, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, năm 2022 Sở TN&MT đã tập trung rà soát, xây dựng mới Quy chế làm việc của Sở, theo đó đã điều chỉnh một số cơ sở pháp lý có thay đổi; trách nhiệm, thời gian xử lý công việc; cách thức giải quyết công việc của Sở; chế độ thông tin, báo cáo, chế độ bảo mật; kiểm tra việc thực hiện văn bản và nhiệm vụ được giao.... nhằm hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ công chức, viên chức; đảm bảo tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả trong hoạt động thực thi nhiệm vụ, công vụ; đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân, xã hội. Đồng thời bổ sung thêm một số nội dung về hoạt động dân chủ trong cơ quan và văn hóa công vụ theo Quyết định số 1847/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án văn hóa công vụ. Việc ban hành mới Quy chế làm việc của Sở sẽ đưa hoạt động cơ quan đi vào nề nếp hơn trước, tăng tính kỷ luật, kỷ cương; giảm bớt áp lực công việc cho công chức, viên chức; Đồng thời dự kiến sẽ tăng hạng Chỉ số cải cách hành chính của Sở từ năm 2023 trở đi.

Bên cạnh đó, Giám đốc Sở đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, chấn chỉnh và tổ chức kiểm tra việc thực hiện công tác cải cách hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính tại các phòng, đơn vị nhằm kịp thời triển khai, quán triệt các chủ trương, chỉ đạo của Trung ương, Ủy ban nhân dân tỉnh, cũng như kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế để có giải pháp xử lý, khắc phục trong thời gian tới.

Ba là, tích cực tham gia xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, với mục tiêu tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ góp phần đổi mới phương thức làm việc, nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước có đủ năng lực vận hành nền kinh tế số, xã hội số đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công cho người dân tổ chức, Sở TN&MT đã tích cực thực hiện đạt hiệu quả một số nhiệm vụ như: đã cài đặt 89/102 dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3, 4, đạt tỷ lệ 87,4% được vận hành kết nối liên thông với Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh; Triển khai thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt, Sở TN&MT đã thực hiện xong việc cấu hình thanh toán trên phần mềm một cửa điện tử kết nối 3 tài khoản ngân hàng Vietcombank theo nhóm thủ tục hành chính, theo đó khi phát sinh hồ sơ thủ tục hành chính ở mức 4 có thu phí sẽ thực hiện thanh toán trực tuyến ngay trên phần mềm. Tỷ lệ tiếp nhận, xử lý hồ sơ TTHC mức độ 4 đạt 93,16% và có 50 TTHC đã tích hợp dịch vụ thanh toán trực tuyến.

Sở TN&MT đã chủ động đề xuất Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt các nhiệm vụ, dự án về công nghệ thông tin nhằm xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường hoàn chỉnh phục vụ công tác quản lý nhà nước của ngành. Qua đó, từ các nguồn kinh phí năm 2022 được phân bổ, Sở đã trình UBND tỉnh phê duyệt và triển khai thực hiện các nhiệm vụ, dự án về công nghệ thông tin, đến nay đã nghiệm thu và đưa vào khai thác sản phẩm của nhiệm vụ “Công khai bản đồ Kế hoạch sử dụng đất năm 2022 lên Cổng Công khai Thông tin Tài nguyên và Môi trường”.

Tích cực tham gia Tổ phân tích, đánh giá dữ liệu tại Trung tâm xử lý, điều hành thông tin tập trung, đa nhiệm phục vụ Chính quyền điện tử và Đô thị thông minh tỉnh Sóc Trăng (IOC), với nhiệm vụ được giao phụ trách tham mưu, phân tích, đánh giá các thông tin địa lý GIS, liên quan lĩnh vực đất đai, môi trường. Đối với ngành tài nguyên và môi trường phải thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như: Xây dựng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu toàn diện nhằm quản lý hiệu quả lĩnh vực tài nguyên và môi trường, cụ thể như: Cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia; các cơ sở dữ liệu về lĩnh vực khác (nền địa lý quốc gia; quan trắc tài nguyên và môi trường; đa dạng sinh học; nguồn thải; viễn thám; biển và hải đảo; biến đổi khí hậu; khí tượng - thủy văn; địa chất - khoáng sản;...); Xây dựng bản đồ số mở làm nền tảng phát triển các dịch vụ số phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, các cơ sở dữ liệu Sở Tài nguyên và Môi trường đang quản lý đã được chuẩn hoá có thể chia sẻ, kết nối: một phần cơ sở dữ liệu đất đai, môi trường, đất tổ chức, thanh tra, tài nguyên nước, cơ sở dữ liệu quan trắc tài nguyên và môi trường. Ứng dụng các giải pháp thông minh trong quan trắc, giám sát, quản lý, xử lý sự cố môi trường, cảnh báo sớm thiên tai: hiện tại đơn vị đang triển khai thực hiện hệ thống quan trắc tự động, liên tục gồm 5 trạm quan trắc (4 trạm nước, 1 trạm không khí), số liệu truyền về trung tâm 5 phút 1 lần phản ánh kịp thời tình trạng chất lượng môi trường tại các điểm quan trắc, dữ liệu đang được chia sẻ, kết nối với Trung tâm điều hành IOC của tỉnh.

Nối tiếp những kết quả đạt được nêu trên, Sở TN&MT sẽ tập trung tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành công tác cải cách hành chính; Gắn việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính hàng năm với đánh giá trách nhiêm, năng lực lãnh đạo, quản lý của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Đồng thời quan tâm bố trí đủ nguồn lực, chú trọng nâng cao năng lực đội ngũ công chức, viên chức làm công tác tham mưu cải cách hành chính, coi trọng công tác thi đua, khen thưởng trong cải cách hành chính. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính; kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ, kỷ luật kỷ cương hành chính, văn hóa công sở, văn hóa giao tiếp với Nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp sai phạm, nhất là trong công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ, công chức, viên chức và tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Đồng thời tập trung triển khai, đề xuất giải pháp thực hiện có hiệu quả 3 khâu đột phá chiến lược của tỉnh.

Đặng Ngọc Duy Trinh - VPS
1 2 3 4 
Thông báo - hướng dẫn

Thống kê truy cập
  • Đang online: 72
  • Hôm nay: 716
  • Trong tuần: 7 162
  • Tất cả: 2742623