Lượt xem: 1252
Nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ vào phát triển vùng Tây Nam Bộ
Ngày 5-7, tại thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức Hội thảo Chương trình Tây Nam Bộ: Kết quả thực hiện và định hướng nhiệm vụ Khoa học và Công nghệ giai đoạn 2018-2019. Hội nghị do ông Huỳnh Thành Đạt - Giám đốc Đại học quốc gia TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Quang Thuấn - Chủ tịch Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, ông Lê Minh Hoan – Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp đồng chủ trì, đại biểu tham dự có Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, một số Bộ, Ngành trung ương, các nhà khoa học, đại diện các doanh nghiệp, nhà quản lý và đội ngũ kỹ thuật hoạt động trong lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN), khoa học xã hội và nhân văn (KHXH&NV) của các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL).

Ảnh: Các đại biểu tham quan các mô hình KH&CN tại Hội nghị

Hội thảo được nghe báo cáo về Kết quả thực hiện chương trình Tây Nam Bộ đến năm 2017 và định hướng các nhiệm vụ KH&CN giai đoạn 2018-2019, Chương trình KH&CN phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, các tham luận của các nhà khoa học như Ứng phó với các thách thức vì sự phát triển bền vững của ĐBSCL của Giáo sư Nguyễn Ngọc Trân – nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Kỹ thuật nhà nước, Khoa học và công nghệ ĐBSCL trong điều kiện biến đổi khí hậu của Giáo sư Võ Tòng Xuân – Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ và rất nhiều ý kiến thảo luận thẳng thắn, sôi nổi được các đại biểu tham gia vào Hội thảo xung quanh các vấn đề được quan tâm trong khu vực và các giải pháp, các định hướng nghiên cứu trong thời gian sắp tới. Ngoài ra, tại Hội thảo còn trưng bày nhiều mô hình nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ của các tổ chức và cá nhân phục vụ sản xuất và phát triển vùng ĐBSCL trong thời gian qua.

Qua nội dung báo cáo, các tham luận và ý kiến thảo luận của Hội nghị, các vấn đề của được Hội nghị quan tâm như:

Chương trình Tây Nam Bộ được triển khai từ năm 2014 với mục tiêu cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định chiến lược, chính sách, đẩy mạnh ứng dụng KH&CN, triển khai các giải pháp KH&CN phục vụ phát triển bền vững, phù hợp với các đặc thù và thế mạnh của vùng Tây Nam Bộ, đến nay đã đạt được nhiều kết quả trong lĩnh vực KH&CN và KHXH&NV phục vụ cho nông nghiệp, môi trường, hạ tầng, cơ chế, thể chế, hệ thống chính sách, phát triển nguồn nhân lực, quy hoạch tổng thể vùng. Về cơ chế, chính sách thì Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 593/QĐ-TTg ngày 06/4/2016 về Quy chế thí điểm liên kết phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016-2020 và Quyết định số 2220/QĐ-TTg ngày 17/11/2016 ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 593/QĐ-TTg. Về kết quả thực hiện các đề tài, nhiệm vụ đã có 14 đề tài, nhiệm vụ thực hiện giai đoạn 2015-2017 và 10 đề tài đề xuất thực hiện giai đoạn tiếp theo trong lĩnh vực KHXH&NV, 4 đề tài, nhiệm vụ thực hiện trong giai đoạn 2015-2017 và 4, đề tài, nhiệm vụ thực hiện giai đoạn tiếp trheo trong lĩnh vực KH&CN. Nhìn chung các đề tài, nhiệm vụ đạt được mục tiêu đã đề ra, tuy nhiên một số đề tài, nhiệm vụ triển khai còn chậm.

Một số vấn đề lớn trong khu vực qua các tham luận và thảo luận như ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến khu vực ĐBSCL có diễn biến phức tạp và ngày càng gay gắt, khả năng dự báo về nước biển dâng còn khó khăn và chưa chính xác, hạn hán, xâm nhập mặn gia tăng, tình trạng thiếu nước ngọt sử dụng cho sinh hoạt và sản xuất trong vùng ngày càng tăng do việc xây dựng các đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mê Kông, việc xói lở bờ biển, bờ sông trong vùng ngày càng nghiêm trọng do thiếu phù sa và khai thác cát quá mức, tình trạng ô nhiễm đất mặt, nguồn nước, hiệu ứng khí nhà kính do sản xuất nông nghiệp ngày càng tăng do việc sử dụng chất hóa học (theo các nhà khoa học thì phát thải khí nhà kính từ Đinitơ monoxit –N2O và Mêtan – CH4  lớn gấp nhiều lần phát thải từ khí Cacbonic – CO2), tình trạng sụt lún nền đất do xây dựng và khai thác nước ngầm có khuynh hướng gia tăng, có khuynh hướng hình thành các trung tâm bão trên Biển Đông và bão có khuynh hướng chuyển dần xuống phía nam vì vậy khả năng ảnh hưởng thiên tai của khu vực trong thời gian tới là rất lớn. Đối với xã hội đang có tình trạng lao động trong khu vực chuyển sang khu vực khác có thu nhập tốt hơn dẫn đến thiếu lao động trong khu vực, các chính sách xã hội còn nhiều bất cập, quy hoạch chưa đồng bộ, còn chồng chéo, phân chia lợi nhuận từ sản xuất nông nghiệp chưa cân bằng giữa người sản xuất và dịch vụ, giá cả và sản lượng sản xuất nông nghiệp chưa ổn định, phát triển hạ tầng chưa cân xứng với tiềm năng của vùng,...

Qua các vấn đề trên, định hướng chương trình Tây Nam Bộ trong thời gian tới cần có nhiều đề tài, dự án giải quyết các bất cập xã hội, đề xuất các giải pháp về quy hoạch tổng thể vùng, cân bằng lợi ích trong sản xuất và dịch vụ phụ trợ, liên kết sản xuất để xây dựng thương hiệu và tăng giá trị hàng hóa, thu hút đầu tư và lao động trong khu vực, phát triển hạ tầng phù hợp phục vụ phát triển vùng, các giải pháp sản xuất phù hợp với thiếu nước ngọt và đất ngày càng nhiễm mặn, sử dụng tài nguyên có hieuẹ quả, giảm phát thải khí nhà kính, đề xuất các giải pháp xây dựng thông tin, phân tích, cảnh báo, dự báo hiệu quả, các giải pháp phòng chống ảnh hưởng bất lợi từ thiên nhiên,...

Với các kết quả đạt được và phương hướng thực hiện sắp tới của Chương trình Tây Nam Bộ với sự tham gia tích cực của nhiều cơ quan quản lý, các đơn vị nghiên cứu khoa học, các nhà khoa học nhiều tâm huyết sẽ mang lại sự phát triển bền vững cho vùng Đồng bằng Sông Cửu Long trong thời gian sắp tới.

Bùi Việt Phương
Thông báo - hướng dẫn

Thống kê truy cập
  • Đang online: 20
  • Hôm nay: 52
  • Trong tuần: 4 084
  • Tất cả: 2278905