Tiếp cận thông tin của công dân và trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc thực hiện Luật tiếp cận thông tin
Quyền tiếp cận thông tin là một trong các quyền cơ bản của con người, của công dân thuộc nhóm quyền dân sự - chính trị đã được ghi nhận trong Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền của Liên Hợp quốc năm 1948, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 mà Việt Nam là thành viên. Quyền tiếp cận thông tin tiếp tục được khẳng định trong nhiều điều ước quốc tế khác như Công ước của Liên Hợp quốc về chống tham nhũng, Tuyên bố Rio về Môi trường và phát triển, Công ước UNECE về tiếp cận thông tin môi trường.
Ở nước ta, Hiến pháp năm 1992 lần đầu tiên xác định quyền được thông tin là quyền cơ bản của công dân. Cụ thể hóa Hiến pháp, cùng với quá trình đổi mới kinh tế, hội nhập quốc tế, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật theo các nguyên tắc của nhà nước pháp quyền, trong những năm qua, Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật có quy định về thực hiện và bảo đảm thực hiện quyền được thông tin của công dân trong một số lĩnh vực, góp phần xây dựng một xã hội cởi mở hơn về thông tin và một Chính phủ công khai, minh bạch hơn, trách nhiệm giải trình cao hơn trong hoạt động quản lý, điều hành đất nước, góp phần đưa chủ trương “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” từng bước đi vào cuộc sống. Hiến pháp năm 2013 kế thừa quy định của Hiến pháp năm 1992 về quyền được thông tin của công dân và sửa đổi thành quyền tiếp cận thông tin của công dân. Đồng thời, Hiến pháp năm 2013 lần đầu tiên quy định các nguyên tắc thực hiện quyền con người, quyền công dân, trong đó có quyền tiếp cận thông tin; khẳng định trách nhiệm của Nhà nước trong việc tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, quy định nguyên tắc quyền con người, quyền công dân “chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.
Luật tiếp cận thông tin được ban hành nhằm các mục đích: (1) cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 về quyền tiếp cận thông tin của công dân, đặc biệt là xóa bỏ các rào cản trong các văn bản dưới luật mang tính hạn chế quyền tiếp cận thông tin của công dân hoặc quy định hạn chế quyền tiếp cận thông tin không thuộc một trong các trường hợp được hạn chế theo quy định của khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013; (2) khắc phục các hạn chế về tiếp cận thông tin của công dân trong thực tiễn hiện nay như nhu cầu thông tin của công dân đang ngày càng gia tăng, nhất là các thông tin liên quan trực tiếp đến việc thực hiện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân (như thông tin trong lĩnh vực quy hoạch đất đai, giao thông, xây dựng, đền bù, giải phóng mặt bằng,...). Trong khi đó, việc công khai và cung cấp thông tin của các cơ quan nhà nước mới chỉ đáp ứng một phần nhu cầu của người dân, chưa tạo điều kiện cho người dân tiếp cận thông tin một cách chủ động, nhanh chóng và thuận tiện, công dân chưa được bảo đảm cung cấp thông tin một cách chính thống bởi các cơ quan nhà nước tạo ra thông tin; (3) đảm bảo thực hiện đầy đủ các điều ước, cam kết quốc tế đã ký kết là nội luật hóa các quy định trong các điều ước và cam kết đã tham gia.
Nguyên tắc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin: quyền tiếp cận thông tin là một trong những quyền cơ bản của công dân, tạo tiền đề cho việc hưởng các quyền và lợi ích khác và bảo đảm quyền tiếp cận thông tin mang lại ý nghĩa, lợi ích thực sự cho người dân, không mang tính hình thức, cũng như để thể chế hóa nội dung và tinh thần của Hiến pháp năm 2013 về việc ghi nhận, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền cơ bản của công dân. Luật đưa ra nguyên tắc là mọi công dân đều bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin; thông tin được cung cấp phải chính xác, đầy đủ; việc cung cấp thông tin phải kịp thời, minh bạch, thuận lợi cho công dân; đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật; việc hạn chế quyền tiếp cận thông tin phải do luật định trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng; việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức hoặc của người khác; Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để người khuyết tật, người sinh sống ở khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thực hiện quyền tiếp cận thông tin. Thông tin do cơ quan nhà nước tạo ra theo quy định của Luật này là tin, dữ liệu được tạo ra trong quá trình cơ quan nhà nước thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật, được người có thẩm quyền của cơ quan nhà nước đó ký, đóng dấu hoặc xác nhận bằng văn bản.
Hình thức tiếp cận thông tin gồm: tự do tiếp cận thông tin do cơ quan nhà nước công khai và yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp thông tin.
Nhằm bảo đảm cho thông tin được công khai và phổ biến đến người dân ở phạm vi rộng nhất, Luật quy định các loại thông tin và cách thức công khai thông tin trên trang/cổng thông tin điện tử, phương tiện thông tin đại chúng và đăng Công báo, niêm yết. Theo đó, Luật quy định các thông tin phải được công khai tại khoản 1 Điều 17 bao gồm (1) Văn bản quy phạm pháp luật; văn bản hành chính có giá trị áp dụng chung; điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam là một bên; thủ tục hành chính, quy trình giải quyết công việc của cơ quan nhà nước; (2) Thông tin phổ biến, hướng dẫn thực hiện pháp luật, chế độ, chính sách đối với những lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của cơ quan nhà nước; (3) Dự thảo văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật; nội dung và kết quả trưng cầu ý dân, tiếp thu ý kiến của Nhân dân đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền quyết định của cơ quan nhà nước mà đưa ra lấy ý kiến Nhân dân theo quy định của pháp luật; đề án và dự thảo đề án thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới hành chính; (4) Chiến lược, chương trình, dự án, đề án, kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, địa phương; quy hoạch ngành, lĩnh vực và phương thức, kết quả thực hiện; chương trình, kế hoạch công tác hằng năm của cơ quan nhà nước; (5) Thông tin về dự toán ngân sách nhà nước; báo cáo tình hình thực hiện ngân sách nhà nước; quyết toán ngân sách nhà nước; dự toán, tình hình thực hiện, quyết toán ngân sách đối với các chương trình, dự án đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn ngân sách nhà nước; thủ tục ngân sách nhà nước; (6) Thông tin về phân bổ, quản lý, sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức và nguồn viện trợ phi chính phủ theo quy định; thông tin về quản lý, sử dụng các khoản cứu trợ, trợ cấp xã hội; quản lý, sử dụng các khoản đóng góp của Nhân dân, các loại quỹ; (7) Thông tin về danh mục dự án, chương trình đầu tư công, mua sắm công và quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, tình hình và kết quả thực hiện kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư công; thông tin về đấu thầu; thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giá đất; thu hồi đất; phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư liên quan đến dự án, công trình trên địa bàn; (8) Thông tin về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp; báo cáo đánh giá kết quả hoạt động và xếp loại doanh nghiệp; báo cáo giám sát tình hình thực hiện công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp và cơ quan nhà nước đại diện chủ sở hữu; thông tin về tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp nhà nước,...
Các loại thông tin được cung cấp theo yêu cầu bao gồm: (1) thông tin phải được công khai nhưng: chưa được công khai; đã hết thời hạn công khai hoặc đang được công khai nhưng vì lý do khách quan người yêu cầu không thể tiếp cận; (2) Thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình đủ điều kiện cung cấp; (3) Thông tin liên quan trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh của người yêu cầu cung cấp thông tin được phép cung cấp.
2. Tiếp cận thông tin trong ngành tài nguyên và môi trường
Lĩnh vực đất đai:
Điều 21 Luật phòng chống tham nhũng năm 2005, quy định một số nội dung phải công khai về đất đai:
1. Việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải bảo đảm dân chủ và công khai.
2. Trong quá trình lập và điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chi tiết, cơ quan, tổ chức thực hiện việc lập quy hoạch, kế hoạch đó phải thông báo công khai cho nhân dân địa phương nơi được quy hoạch, điều chỉnh biết.
3. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chi tiết, việc giải phóng mặt bằng, giá đền bù khi thu hồi đất sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt hoặc điều chỉnh phải được công khai.
4. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục và việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; quy hoạch chi tiết và việc phân lô đất ở, đối tượng được giao đất làm nhà ở phải được công khai.
Điều 28 Luật đất đai năm 2013 quy định trách nhiệm của Nhà nước trong việc cung cấp thông tin về đất đai như sau:
“1. Xây dựng, quản lý hệ thống thông tin đất đai và bảo đảm quyền tiếp cận của tổ chức, cá nhân đối với hệ thống thông tin đất đai.
2. Công bố kịp thời, công khai thông tin thuộc hệ thống thông tin đất đai cho tổ chức, cá nhân, trừ những thông tin thuộc bí mật theo quy định của pháp luật.
3. Thông báo quyết định hành chính, hành vi hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai cho tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng quyền và lợi ích hợp pháp.
4. Cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong quản lý, sử dụng đất đai có trách nhiệm tạo điều kiện, cung cấp thông tin về đất đai cho tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.”
Về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, tại Mục a Khoản 2 Điều 43 Luật đất đai năm 2013 cũng quy định:
“Việc lấy ý kiến đóng góp của nhân dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia, cấp tỉnh được thực hiện thông qua hình thức công khai thông tin về nội dung của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên trang thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; việc lấy ý kiến đóng góp của nhân dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện được thực hiện thông qua hình thức tổ chức hội nghị, lấy ý kiến trực tiếp và công khai thông tin về nội dung của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên trang thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện”.
Điều 48 của Luật đất đai năm 2013 cũng chỉ rõ các cơ quan liên quan phải có trách nhiệm công bố công khai các thông tin liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất: “Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt phải được công bố công khai”.
Trách nhiệm công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được quy định như sau:
“- Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia tại trụ sở cơ quan và trên cổng thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh tại trụ sở cơ quan và trên cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
- Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện tại trụ sở cơ quan, trên cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp huyện và công bố công khai nội dung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện có liên quan đến xã, phường, thị trấn tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã.”
Thời điểm, thời hạn công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo quy định sau đây:
“- Việc công bố công khai được thực hiện trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt;
- Việc công khai được thực hiện trong suốt kỳ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất”.
Đối với vi phạm trong sử dụng đất đai cũng phải được công khai theo quy định tại khoản 3 điều 16 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức rà soát, xử lý và công bố công khai trên trang thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh các dự án đầu tư không đưa đất vào sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc chậm tiến độ sử dụng đất 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư; các dự án được gia hạn; các dự án chậm tiến độ sử dụng đất vì lý do bất khả kháng; cung cấp thông tin để công khai trên trang thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Tổng cục Quản lý đất đai”.
Lĩnh vực môi trường:
Theo Điều 131 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 về công khai thông tin môi trường:
1. Thông tin môi trường phải được công khai gồm:
a) Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường;
b) Thông tin về nguồn thải, chất thải, xử lý chất thải;
c) Khu vực môi trường bị ô nhiễm, suy thoái ở mức nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, khu vực có nguy cơ xảy ra sự cố môi trường;
d) Các báo cáo về môi trường;
đ) Kết quả thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường.
Các thông tin quy định tại khoản này mà thuộc danh mục bí mật nhà nước thì không được công khai.
2. Hình thức công khai phải bảo đảm thuận tiện cho những đối tượng có liên quan tiếp nhận thông tin.
3. Cơ quan công khai thông tin môi trường chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của thông tin.
Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ quy định một số điều của Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 đã cụ thể hóa các hình thức cung cấp thông tin môi trường cho cộng đồng dân cư như: tài liệu, ấn phẩm, xuất bản phẩm phát hành trên các phương tiện thông tin đại chúng; trang thông tin điện tử chính thức của cơ quan quản lý, chủ đầu tư, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; niêm yết công khai tại cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, trụ sở UBND cấp xã; họp báo công bố công khai; họp phổ biến cho cộng đồng dân cư; các hình thức khác theo quy định của pháp luật. Việc cung cấp thông tin môi trường cho cộng đồng được cung cấp định kỳ ít nhất 1 lần/năm và thời gian công khai thông tin trên trang điện tử chính thức và niêm yết tối thiểu là 30 ngày.
Điều 57 Nghị định 155/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường quy định:
1. Cá nhân, tổ chức có các hành vi vi phạm hành chính dưới đây sẽ bị công bố công khai thông tin về tình hình ô nhiễm và vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường:
a) Cá nhân, tổ chức bị tước quyền sử dụng Giấy phép môi trường;
b) Cá nhân, tổ chức bị đình chỉ hoạt động gây ô nhiễm môi trường hoặc bị đình chỉ hoạt động của cơ sở gây ô nhiễm môi trường;
c) Cơ sở bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm buộc di dời địa điểm đến vị trí phù hợp với quy hoạch và sức chịu tải của môi trường;
d) Cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường gây hậu quả lớn hoặc gây ảnh hưởng xấu về dư luận xã hội.
2. Hình thức công bố công khai thông tin trên trang thông tin điện tử hoặc báo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi xảy ra vi phạm hành chính hoặc cơ quan chủ quản của người có thẩm quyền đã xử phạt vi phạm hành chính.
Lĩnh vực tài nguyên khoáng sản:
Khoản 2 điều 15 Luật khoáng sản năm 2010 quy định: “Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày quy hoạch khoáng sản được phê duyệt hoặc được điều chỉnh, cơ quan tổ chức lập quy hoạch khoáng sản có trách nhiệm công bố công khai quy hoạch khoáng sản”. Hình thức công khai có thể qua cổng thông tin điện tử hoặc tổ chức họp báo công khai tại cơ quan chủ trì quy hoạch.
Khoản 1 điều 58 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ quy định:
1. Việc tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản ở khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản thực hiện như sau:
a) Khi nhận được hồ sơ của tổ chức, cá nhân đầu tiên có nhu cầu thăm dò khoáng sản, cơ quan tiếp nhận hồ sơ thông báo công khai tên tổ chức, cá nhân đó, tên loại khoáng sản và vị trí khu vực đề nghị thăm dò khoáng sản tại trụ sở cơ quan và trên trang thông tin điện tử của cơ quan có thẩm quyền cấp phép và hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, Báo đấu thầu.
Thời gian tiếp nhận và thông báo về hồ sơ đề nghị thăm dò khoáng sản của các tổ chức, cá nhân khác là 30 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị thăm dò khoáng sản của tổ chức, cá nhân đầu tiên;
b) Hết thời gian nêu tại điểm a khoản này cơ quan tiếp nhận không tiếp nhận hồ sơ và tiến hành lựa chọn tổ chức, cá nhân để cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản theo quy định tại khoản 2 Điều 25 Nghị định này.
Thời gian lựa chọn tổ chức, cá nhân để cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản là 05 ngày, kể từ ngày hết thời hạn thông báo quy định tại điểm a khoản này;
c) Hết thời hạn quy định tại điểm b khoản này, trường hợp lựa chọn được hồ sơ của tổ chức, cá nhân để cấp phép thăm dò, cơ quan tiếp nhận ban hành phiếu tiếp nhận hồ sơ và thông báo công khai tên tổ chức, cá nhân được lựa chọn tại trụ sở cơ quan và trên trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép.
Đối với các tổ chức, cá nhân không được lựa chọn để cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân đề nghị thăm dò khoáng sản về lý do không được lựa chọn.
Lĩnh vực tài nguyên nước:
Theo quy định tại điều 6 Luật tài nguyên nước năm 2012, điều 3 Nghị định số 201/2013/NĐ-CP ngày 27/11/2013 của Chính phủ thì công khai thông tin về tài nguyên nước được thực hiện như sau:
a) Đối với Công trình hồ, đập có tổng dung tích từ 500 triệu m3 trở lên; công trình khai thác, sử dụng nước mặt với lưu lượng từ 10 m3/giây trở lên; Công trình chuyển nước giữa các nguồn nước; Công trình hồ, đập làm gián đoạn dòng chảy tự nhiên của sông, suối trên một đoạn có chiều dài từ một (01) km trở lên phải công khai:
- Mục đích khai thác, sử dụng nước;
- Nguồn nước khai thác, sử dụng;
- Vị trí công trình khai thác, sử dụng nước;
- Phương thức khai thác, sử dụng nước;
- Lượng nước khai thác, sử dụng;
- Thời gian khai thác, sử dụng;
- Các đặc tính cơ bản của hồ, đập trong trường hợp xây dựng hồ, đập.
b) Đối với công trình xả nước thải vào nguồn nước có lưu lượng từ 10.000 m3/ngày đêm trở lên phải công khai:
- Loại nước thải;
- Nguồn nước tiếp nhận nước thải;
- Vị trí xả nước thải;
- Lưu lượng, phương thức xả nước thải;
- Giới hạn thông số và nồng độ các chất ô nhiễm trong nước thải.
c) Đối với công trình khai thác, sử dụng nước dưới đất có lưu lượng từ 12.000 m3/ngày đêm trở lên:
- Mục đích khai thác, sử dụng nước;
- Vị trí công trình khai thác nước;
- Tầng chứa nước khai thác, độ sâu khai thác;
- Tổng số giếng khai thác;
- Tổng lượng nước khai thác, sử dụng;
- Chế độ khai thác;
- Thời gian khai thác, sử dụng.
2. Việc công khai thông tin được thực hiện theo các hình thức sau đây:
a) Thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng của Ủy ban nhân dân các huyện và trang thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân các tỉnh.
b) Ba mươi (30) ngày làm việc trước khi khởi công và trong suốt quá trình xây dựng công trình, chủ dự án phải niêm yết công khai thông tin quy định tại Khoản 1 Điều này tại Ủy ban nhân dân huyện, Ủy ban nhân dân xã và tại địa điểm nơi xây dựng công trình.
Lĩnh vực tài nguyên, môi trường biển và hải đảo:
Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015 quy định các nội dung phải công khai, công bố đối với quản lý tài nguyên và môi trường biển, hải đảo gồm: phải có sự tham gia của cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân có liên quan trong quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo (điều 6), công khai hành hang bảo vệ bờ biển (điều 23), bảo đảm công khai, minh bạch, có sự tham gia của cộng đồng dân cư, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình lập quy hoạch, bảo đảm quyền tiếp cận của người dân với biển (điều 26), lấy ý kiến và công bố quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ (điều 30), lấy ý kiến và công bố chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ (điều 37) cho người dân được tham gia và giám sát thực hiện, công khai các vùng rủi ro ô nhiễm môi trường biển và hải đảo, thông tin về môi trường nước, môi trường trầm tích của các khu vực biển, hải đảo (điều 44), công khai kết quả đánh giá hoạt động kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo (điều 50). Đặc biệt dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo phải được công khai theo quy định của pháp luật được quy định tại điều 69.
Công khai thông tin tài nguyên, môi trường biển và hải đảo có thể thực hiện qua các hình thức tổ chức lấy ý kiến người dân, công khai tại các cơ quan nhà nước và cổng thông tin điện tử.
Ngoài ra, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 40/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 để cụ thể hóa một số nội dung có liên quan đến thi hành Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015, trong đó có một số nội dung liên quan đến công bố, công khai thông tin.
Lĩnh vực đo đạc bản đồ:
Luật đo đạc và bản đồ năm 2018 có hiệu lực từ ngày 01/01/2019 quy định cụ thể việc công bố thông tin không gian địa lý quốc gia như sau tại điều 48:
1. Cổng thông tin không gian địa lý Việt Nam là cổng thông tin điện tử cho phép truy cập dữ liệu không gian địa lý quốc gia và cung cấp thông tin, dịch vụ liên quan trên môi trường mạng.
2. Cổng thông tin không gian địa lý Việt Nam phải được xây dựng, vận hành để bảo đảm cho tổ chức, cá nhân truy cập dễ dàng, thuận tiện; dữ liệu không gian địa lý quốc gia đã công bố phải có sẵn để sử dụng.
Ngoài ra, một số nội dung khác về công khai, công bố liên quan đến ngành tài nguyên và môi trường được quy định trong các thông tư hướng dẫn thực hiện Luật, Nghị định của các Bộ, ngành.
3. Công bố, công khai thông tin về tài nguyên và môi trường tại tỉnh Sóc Trăng: hiện trạng và nhiệm vụ tiếp theo
Tỉnh Sóc Trăng quan tâm đến công khai thông tin về tài nguyên và môi trường từ nhiều năm qua và đã thực hiện công bố các quy hoạch, kế hoạch ngành theo quy định của pháp luật, công khai các thông tin hoạt động, các tài liệu phải công khai theo quy định tại trụ sở cơ quan, cổng thông tin điện tử và tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Hiện tại Sở Tài nguyên và môi trường có các kênh thông tin qua môi trường mạng như sau:
- Cổng thông tin điện tử (http://sotnmt.soctrang.gov.vn ) của Sở Tài nguyên và Môi trường là kênh cung cấp thông tin chính thức về hoạt động và các thông tin cần thiết đến người dân và doanh nghiệp của Sở Tài nguyên và Môi trường trên môi trường điện tử. Nội dung cổng thông tin được cung cấp theo quy định của Nghị định số 43/2011/NĐ-CP ngày 13/6/2011 của Chính phủ về quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước và các quy định chuyên ngành khác thuộc ngành tài nguyên và môi trường. Thông qua cổng thông tin điện tử người dùng có thể khai thác nghiều thông tin hữu ích liên quan đến ngành tài nguyên và môi trường như thông tin về đường dây nóng, số điện thoại và hộp thư điện tử của người có chức trách giải quyết công việc, các thông tin về thủ tục hành chính, phổ biến pháp luật… và nhiều thông tin có giá trị khác.
- Hệ thống dịch vụ công trực tuyến (http://motcua.sotnmt.soctrang.gov.vn ) của Sở Tài nguyên và Môi trường cung cấp dịch vụ công trực tuyến về các thủ tục hành chính để người dân và doanh nghiệp có thể tìm hiểu thông tin về thủ tục hành chính, sử dụng mẫu văn bản đề nghị giải quyết thủ tục hành chính, theo dõi quá trình giải quyết hồ sơ của mình đã nộp theo mã hồ sơ ghi trên phiếu hẹn và đặc biệt là nộp hồ sơ trực tuyến đối với 33 dịch vụ công mức độ 3 đang triển khai.
Đối với dịch vụ công trực tuyến triển khai ở mức độ 3, người dân và doanh nghiệp có thể nộp trực tuyến hồ sơ qua mạng internet bằng bản quét (hoặc chụp ảnh) hồ sơ thông qua cổng dịch vụ công trực tuyến, người dân và doanh nghiệp chỉ cần đến Sở Tài nguyên và Môi trường một lần khi nhận kết quả (nếu hồ sơ hợp lệ), hồ sơ giấy được nộp khi đến nhận kết quả giải quyết hồ sơ.
- Công khai thông tin (http://geoportal.vn/stportal ) được UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện để tăng cường việc công khai, minh bạch thông tin, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức thực hiện nhiều năm qua và tiếp tục được cập nhật, bổ sung thường xuyên. Đây là kênh thông tin điện tử chính thức của tỉnh, cũng như của ngành tài nguyên và môi trường công khai các thông tin được phép công khai trên mạng internet phù hợp với Luật tiếp cận thông tin và các quy định khác của pháp luật.
Cổng thông tin công khai về tài nguyên và môi trường cung cấp nhiều thông tin có giá trị trên tất cả các lĩnh vực quản lý của Sở Tài nguyên và Môi trường như thủ tục hành chính, phổ biến pháp luật, quy hoạch, kế hoạch ngành, kết quả điều tra, thống kê, kiểm kê, giao đất, thu hồi đất, giá đất, kết luận thanh tra,… và nhiều thông tin khác.
Đặc biệt hệ thống công khai thông tin còn cung cấp bản đồ trực tuyến để người dân và doanh nghiệp có thể tham khảo nhanh, trực quan về địa giới hành chính, hiện trạng sử dụng đất, quy hoạch sử dụng đất và nhiều loại bản đồ khác mà không phải đến Sở Tài nguyên và Môi trường để tìm kiếm tài liệu.
Tiếp theo để phát huy hiệu quả và nâng cao chất lượng các kênh thông tin công khai, công bố thông tin ngành, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thực hiện đầy đủ các nội dung về công khai, công bố thông tin do ngành quản lý theo quy định của pháp luật, trong đó chú trọng thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau:
- Ban hành và công bố công khai quy chế nội bộ về tổ chức cung cấp thông tin thuộc phạm vi trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường theo quy định tại điểm h khoản 1 điều 24 Luật tiếp cận thông tin.
- Lập danh mục, phân loại và cập nhật thông tin phải cung cấp theo quy định tại điều 6 Nghị định số 13/2018/NĐ-CP ngày 23/01/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật tiếp cận thông tin.
- Rà soát các hệ thống cung cấp thông tin điện tử của Sở để kịp thời bổ sung, hoàn thiện phục vụ cung cấp thông tin theo quy định của Luật tiếp cận thông tin, đồng thời cập nhật thông tin theo quy định để công dân được sử dụng thông tin kịp thời, chính xác.
Bùi Việt Phương